Tỉnh Hà Nam nằm ở cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội. Với hệ thống giao thông đa dạng gồm quốc lộ, đường cao tốc, đường sắt Bắc Nam, đường thủy, Hà Nam trở thành cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế văn hóa, khoa học - kỹ thuật với các tỉnh, thành trong vùng và cả nước, nhất là Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; là tiền đề để tỉnh phát triển các dịch vụ công nghiệp - đô thị, khu công nghiệp Công nghệ cao (CNC), công nghiệp hỗ trợ, logistics và thương mại.
Ngày 14/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung quy hoạch Khu công nghệ cao Hà Nam vào quy hoạch tổng thể phát triển Khu công nghệ cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của cả nước. Như vậy, cùng với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Đồng Nai, Hà Nam là địa phương thứ 5 hình thành khu CNC. Đây là cơ hội để Hà Nam phát huy thế mạnh, thu hút mọi nguồn lực đầu tư, đưa tỉnh trở thành trung tâm lớn về khoa học, công nghệ, dịch vụ, thương mại, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nam nói riêng và cả nước nói chung.
Khu CNC Hà Nam có diện tích 663,19 ha; Thuộc địa bàn 6 xã phía Nam của huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam là: xã Trần Hưng Đạo, Nhân Mỹ, Nhân Nghĩa, Nhân Bình, Xuân Khê và Phú Phúc. Khu CNC Hà Nam sẽ được triển khai đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật để thu hút đầu tư giai đoạn 2025-2030. Quỹ đất theo quy hoạch tỉnh Hà Nam và các vùng của huyện Lý Nhân luôn đảm bảo khả năng điều chỉnh, mở rộng đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai.
Với những ưu điểm vượt trội về hệ thống giao thông thuận lợi: có tuyến đường nối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, nối với Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, có 02 hướng đi cầu lớn là cầu Hưng Hà (đi TP. Hưng Yên) và cầu Thái Hà (đi tỉnh Thái Bình) cùng mạng lưới đường tỉnh liên xã thuận tiện. Bên cạnh đó, Lý Nhân gần các đô thị như: cách Thành phố Phủ Lý 13 km; cách Thị xã Duy Tiên 17 km; Thành phố Nam Định 30 km; Thành phố Thái Bình 40 km; Thành phố Hưng Yên 20km; Trung tâm Hà Nội 70 km và gần một số khu công nghiệp lớn của tỉnh Hà Nam. Lợi thế địa lý và giao thông tạo điều kiện để Lý Nhân dễ dàng tiếp cận với nhiều tổ chức khoa học & công nghệ trong tỉnh như các cơ sở đào tạo nghiên cứu tại Khu Đại học Nam Cao, các trường đại học, cao đẳng cùng tổ chức khoa học & công nghệ ngoài tỉnh như: Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình và đặc biệt là Thủ đô Hà Nội.
Khu công nghệ cao nằm trong định hướng Quy hoạch xây dựng vùng huyện Lý Nhân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quyết định số 1269/QĐ-UBND ngày 20/7/2021của UBND tỉnh Hà Nam sẽ góp phần thực hiện thành công mục tiêu khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của huyện Lý Nhân trong vùng Thủ đô, vùng đồng bằng Nam sông Hồng và vai trò cửa ngõ phía Đông của tỉnh Hà Nam; xây dựng huyện Lý Nhân trở thành khu vực điểm sáng về lĩnh vực công nghiệp CNC cao trong giai đoạn tới.
Lộ trình xây dựng và phát triển Khu CNC Hà Nam gồm 2 giai đoạn.
Giai đoạn từ 2022-2025, tỉnh Hà Nam thực hiện: lập Đề án, trình Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Khu công nghệ cao Hà Nam, thành lập Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hà Nam; lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng; lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng, giải phóng mặt bằng, thi công hạ tầng kỹ thuật cơ bản
Giai đoạn từ sau năm 2025: tiếp tục hoàn thiện hạ tầng theo hướng hiện đại và thu hút đầu tư, vận hành các hoạt động trong mô hình Khu CNC đã hình thành.
Khu CNC Hà Nam định hướng phát triển 3 vùng chức năng là vùng thí nghiệm CNC; vùng sản xuất, ứng dụng CNC và vùng trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo, tập trung vào các lĩnh vực AI, tự động hóa, công nghệ sinh học và các sản phẩm công nghiệp mới. Đây là các lĩnh vực mới, hàm lượng CNC, tạo giá trị gia tăng vượt trội, phù hợp với xu thế phát triển.
Khu CNC Hà Nam được xác định là Khu CNC đa ngành, dạng mở, dựa vào nguồn lực nội sinh và ngoại sinh. Trên cơ sở quan điểm, mục tiêu và danh mục lĩnh vực công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ quy định, tỉnh Hà Nam định hướng trong giai đoạn 10 năm đầu, sẽ tập trung vào những lĩnh vực là: trí tuệ nhân tạo, bán dẫn-điện tử, công nghệ sinh học và y dược, công nghệ vật liệu mới.
Cùng với việc hoàn thiện các thủ tục đề án theo quy định, tỉnh Hà Nam đang tăng cường công tác xúc tiến thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng trong nước và quốc tế, hợp tác triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Trong đó, nguồn vốn đầu tư phát triển Khu CNC Hà Nam được xác định chủ yếu là nguồn vốn ngoài ngân sách từ các doanh nghiệp có năng lực được lựa chọn theo quy định của pháp luật; ngân sách địa phương và các chương trình của Chính phủ về phát triển CNC, được xem xét để hỗ trợ các nội dung đầu tư cụ thể theo quy định của pháp luật.
Tổng kinh phí đầu tư giai đoạn đầu dự kiến khoảng 8817 tỷ đồng (bao gồm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư; chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng; chi phí dự phòng và một số chi phí khác). Trong đó, nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật là: 6.699 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hỗ trợ theo khả năng cân đối, đảm bảo phù hợp với các nội dung hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật.
Nguồn kinh phí Khu CNC Hà Nam giai đoạn sau thuộc giai đoạn vận hành được kết hợp cả nguồn ngân sách địa phương và xã hội hóa, ước tính khoảng 30 tỷ đồng/năm.
Tỉnh Hà Nam là địa phương nằm trong nhóm địa phương dẫn đầu Việt Nam về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và là điểm sáng trong khu vực về phát triển công nghiệp. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX xác định, giai đoạn 2021 – 2025, Hà Nam tập trung phát triển công nghiệp đặc biệt là công nghiệp – công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến và chế tạo, cũng như dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững. Với nhiều chính sách hấp dẫn đột phá được xây dựng và triển khai, môi trường đầu tư thông thoáng, hiện đại; nguồn nhân lực chất lượng cao khá dồi dào; thu hút đầu tư bền vững, có chọn lọc, có chiều sâu, có sức cạnh tranh cao, gắn với lợi thế của tỉnh với hội nhập kinh tế quốc tế, Khu CNC Hà Nam khi được hình thành và phát triển hứa hẹn sẽ là một môi trường đầu tư thuận lợi của các doanh nghiệp trong nước và FDI đối với lĩnh vực CNC; nơi tập hợp lực lượng trí thức trong tỉnh, trong vùng và quốc tế đến nghiên cứu, chuyển giao, phát triển CNC. Từ đó giúp Hà Nam tăng khả năng tiếp nhận và làm chủ CNC, tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và theo hướng hiện đại.
Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xây dựng phương án phát triển công nghiệp theo hướng: Quy hoạch các khu công nghiệp gắn với vùng đô thị, dịch vụ. Định hướng thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường. Thành lập khu công nghệ cao Hà Nam được xem là định hướng đúng đắn và thể hiện khát vọng vươn tầm của Hà Nam trong việc lựa chọn, tìm kiếm động lực tăng trưởng mới theo xu hướng phát triển công nghiệp 4.0.
Với lợi thế, tiềm năng cùng sự quan tâm tạo điều kiện của Trung ương, sự chung tay, giúp sức của cộng đồng doanh nghiệp, sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam, Khu CNC Hà Nam sớm được hình thành và đi vào hoạt động sẽ góp phần tạo động lực mới để Hà Nam thực hiện thắng lợi mục tiêu Quy hoạch: Đến năm 2030 xây dựng tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh, phấn đấu đạt mức phát triển khá của Vùng đồng bằng sông Hồng, vững bước trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế./.
Trần Lâm