Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Khơi dậy khát vọng, kiến tạo tương lai

Tin tức sự kiện  
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Khơi dậy khát vọng, kiến tạo tương lai

Thế giới đang đổi thay nhanh chóng. Con người được thụ hưởng những thành quả của nền sản xuất thông minh, hiện đại, phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần. Bên cạnh đó, con người cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề do chính mình tạo ra, trong đó nổi cộm là dịch bệnh nguy hiểm, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường sống. Những thành tựu có được bắt nguồn từ khoa học, công nghệ và sự đổi mới sáng tạo. Và, cũng chính khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là công cụ chủ yếu giúp giải quyết những nguy cơ, thách thức.

IMG_5842.JPG

Các đại biểu thăm quan gian hàng tham gia Chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Hà Nam.

1. Nhìn lại lịch sử, nhân loại chứng kiến 4 cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lớn.

Cuộc CMCN lần thứ 1 khởi phát ở nước Anh, diễn ra ở khắp Châu Âu và Bắc Mỹ từ nửa sau thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX, được đặc trưng bởi sự cơ giới hoá trên cơ sở thuỷ lực và động cơ hơi nước, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại: kỷ nguyên lao động chân tay được thay thế bởi cơ giới. Con người bắt đầu nhận thức được sức mạnh thực sự của khoa học, kĩ thuật.Từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, sự phát minh ra điện đã mang lại cuộc sống văn minh, góp phần nâng cao nhiều lần năng suất lao động so với thời kỳ trước đó, đánh dấu cuộc CMCN lần thứ hai. Với sự ra đời của vật liệu bán dẫn, cơ sở để tạo ra các thế hệ máy tính đánh dấu kỷ nguyên cách mạng số hay cuộc CMCN lần thứ 3. Trọng tâm của cuộc cách mạng này là việc sản xuất hàng loạt và sử dụng rộng rãi logic kỹ thuật số, bóng bán dẫn, mạch tích hợp (IC), cao hơn là máy tính, bộ vi xử lý, điện thoại di động kỹ thuật số và Internet. Những đổi mới công nghệ đó đã làm thay đổi các kỹ thuật sản xuất và kinh doanh truyền thống, tăng năng suất lao động.

Ngày nay, cuộc CMCN lần thứ 4, vớisự giao thoa trên quy mô lớn giữa vật lý, kỹ thuật số và công nghệ sinh học tạo ra các sản phẩm công nghệ tiên tiến, đang diễn biến rất nhanh, tác động sâu rộng, đa chiều đến hệ thống chính trị - xã hội, làm thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất của xã hội.

CMCN lần thứ 4 là một cuộc chơi lớn với yếu tố “nguy" và "cơ" đan xen. Đây là cuộc cách mạng dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất, hơn thế còn có thể tạo ra những đột phá xa hơn trong các lĩnh vực khác. Về lâu dài, CMCN lần thứ 4 giúp cho kinh tế thế giới bước vào giai đoạn tăng trưởng nhanh dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, sự tụt hậu, phân hoá, khủng hoảng xã hội là những nguy cơ lớn đi kèm. Cụ thể là, (i) khi các nền tảng cơ bản chưa đủ điều kiện đáp ứng việc tiếp cận CMCN lần thứ 4, sự tụt hậu sẽ ngày càng xa, (ii) lao động chi phí thấp mất lợi thế, dư thừa lao động trình độ thấp, kỹ năng yếu dẫn đến khủng hoảng thị trường lao động truyền thống, (iii) khoảng cách giữa giàu và nghèo, giữa tiến bộ và lạc hậu bị nới rộng làm xã hội phân hóa trầm trọng, (iv) các nước đang và chậm phát triển có thể là nơi tiếp nhận công nghệ cũ hoặc trở thành “bãi rác công nghệ" của các nước phát triển. Trước mắt, đây là những thách thức gay gắt đối với những quốc gia đi sau về công nghệ, vốn chỉ dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên và phương thức sản xuất truyền thống.

Để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp (đến năm 2025); là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao (đến năm 2030); trở thành nước phát triển, thu nhập cao (đến năm 2045) được đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chúng ta bắt buộc phải tham gia chuyến tàu CMCN lần thứ 4. "Cuộc CMCN lần thứ 4 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc, chúng ta không thể bỏ lỡ và cần phải nắm bắt... vậy nên ...phải có thái độ ứng xử cởi mở, sẵn sàng thử nghiệm những mô thức mới, sẵn sàng thích ứng và kiến tạo, thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh mới phát triển". Đó là phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) tại Hội thảo và Triển lãm quốc tế về “Phát triển công nghiệp thông minh- Smart Industry Word 2017" thể hiện nhận thức của lãnh đạo Đảng và Nhà nước về hiệu ứng tích cực do CMCN lần thứ 4 mang lại, biểu thị quyết tâm cao độ của hệ thống chính trị và ý chí của dân tộc Việt Nam, đồng thờiđặt ra yêu cầu cấp bách hiện nay là phải thực hiện đổi mới sáng tạo.

Đổi mới sáng tạo được hiểu là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa (Luật Khoa học và Công nghệ). Có thể thấy, các thành tựu trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là nền tảng để thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo. Ngược lại, khi thực hiện đổi mới sáng tạo một cách căn bản, thường xuyên, liên tục là cơ hội để tạo ra những kết quả khoa học, công nghệ, kỹ thuật mới. Như vậy, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có mối quan hệ biện chứng, không thể tách rời, được xem là nền tảng quan trọng và là động lực chủ yếu để phát triển đất nước.Vì thế, trong Chỉ thị 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN lần thứ 4 ban hành ngày 04 tháng 5 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia trên cơ sở thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Đây được xem là một trong những cách ứng phó phù hợp với cuộc CMCN lần thứ 4 đang ở giai đoạn bùng nổ.

2. Biến đổi khí khậu, ô nhiễm môi trường là vấn đề toàn cầu nổi cộm, đã được nêu ra từ rất lâu do những hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra. Việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định sự phát triển bền vững của mỗi địa phương, đất nước. Trong thời gian vừa qua, nhiều Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia được thực hiện như Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng", Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm về công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản, Chương trình khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020". Từ kết quả nghiên cứu, nhiều giải pháp căn cơ được đề xuất, nhiều mô hình được chuyển giao ứng dụng  trong thực tế nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, nhiều ý tưởng sáng tạo có giá trị về sử dụng tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo được đầu tư, hiện thực hoá, có tính khả thi cao.

3. Đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trên quy mô toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến nhịp sống bình thường của xã hội.

Các doanh nghiệp, lực lượng chính thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, địa phương, đang gặp vô vàn khó khăn, thách thức. Trong 10 tháng đầu năm 2020, cả nước có khoảng 85,6 nghìn doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, cùng với đó nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động, thậm chí là phải tạm dừng hoạt động (mà theo khảo sát chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo phương thức truyền thống); khoảng 1,3 triệu người trong độ tuổi lao động bị mất việc làm.Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp vừa phải tiết giảm chi phí, vừa phải nâng cao hiệu quảhoạt động để đảm bảo duy trì sản xuất, kinh doanh. Muốn vậy, doanh nghiệp cần đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đáp ứng yêu cầu thị trường, đồng thời có các biện pháp thúc đẩy năng suất, hiệu quả hoạt động.Thời gian gần đây, doanh nghiệp đã quan tâm nhiều hơn đến nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo để nâng cao giá trị của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, tăng tính cạnh canh trên thị trường. Tính chung 10 tháng đầu năm 2020, cả nước có gần 111,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ hoặc có ứng dụng công nghệ. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp có sự đổi mới, làm chủ công nghệ, chủ động đổi mới sáng tạo thường tăng trưởng nhanh và bền vững hơn, nhờ đó có khả năng thích nghi cao với thị trường. Đây có lẽ là yếu tố quan trọng đóng góp vào sự tăng trưởng dương của Việt Nam năm 2020 (trong khi nhiều nước trên thế giới và khu vực tăng trưởng âm).

Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, học sinh, sinh viên phải nghỉ học dài ngày để phòng, chống dịch, đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến chương trình, kế hoạch đào tạo, phương thức đánh giá, từ đó phần nào hạn chế chất lượng và mức độ đồng đều của sản phẩm đào tạo. Tuy nhiên, đây cũng chính là “cơ hội" để ngành giáo dục và đào tạo ứng dụng các nền tảng công nghệ để đổi mới các hoạt động. Ví như, hình thức đào tạo trực tuyến, vốn đã phổ biến ở các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến và được đề xuất thử nghiệm ở Việt Nam khá lâu, nay mới được triển khai mạnh mẽ, rộng khắp. Đây cũng là dịp để các nhà quản lý giáo dục đổi mới tư duy quản lý, xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo ở các cấp học, là điều kiện để thầy và trò phát huy sáng kiến, đổi mới sáng tạo trong dạy và học nhằm đảm bảo các mục tiêu giáo dục - đào tạo trước mắt và lâu dài.

Về quản lý, Chính phủ và chính quyền các địa phương đang đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử; nhiều dịch vụ công được số hoá, một số hoạt động được thực hiện trực tuyến đã giúp cắt giảm nhiều chi phí, tăng hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, góp phần thực hiện tốt “mục tiêu kép".

Tại Hà Nam, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được lãnh đạo, chỉ đạo một cách tập trung, từng bước phát huy được vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 08 tháng 4 năm 2016 về đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến 2035, Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 08 tháng 4 năm 2016 về phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, tạo nền tảng phát triển công nghiệp với tốc độ cao, bền vững giai đoạn 2016 - 2025 và Chỉ thị 09-CT/TU ngày 08 tháng 11 năm 2016 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Các cấp, các ngành đã tổ chức thực hiện có hiệu quả và đạt được một số thành tựu đáng khích lệ. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt 39.313 tỷ đồng tăng bình quân 1,5%/năm. Đến năm 2020, nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 8,4% tổng cơ cấu kinh tế của tỉnh; cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, thuỷ sản và dịch vụ. Giá trị sản xuất trong các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 2 tỷ đồng/ha/năm. Việc tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp góp phần nâng cao giá trị trên một đơn vị canh tác (năm 2020 ước đạt 136 triệu đồng/ha) và chuyển dịch lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ (tỷ lệ lao động trong nông nghiệp còn 27% trong tổng lao động toàn xã hội).Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã thu hút 492 dự án đầu tư, trong đó 170 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký là 2.958,4 triệu USD, 322 dự án trong nước với tổng số vốn đăng ký là 90.936,5 tỷ đồng (các dự án này đều sử dụng công nghệ cao, thiết bị hiện đại). Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 đạt 473.344 tỷ đồng, tăng bình quân 15,5%/năm. Tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu kinh tế tăng từ 58,6% năm 2015 lên 63,5% năm 2020, tỷ trọng ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản giảm.

Bên cạnh đó, tỉnh Hà Nam cũng đặc biệt quan tâm đến thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch 3563/KH-UBND ngày 08 tháng 12 năm 2017 thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hà Nam và Kế hoạch 1722/KH-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2018 về Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Hà Nam đến năm 2025 nhằm tạo lập môi trường thuận lợi, huy động hệ thống chính trị, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Để thúc đẩy các hoạt động nâng cao năng suất, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã xây dựng Kế hoạch 808/KH-UBND ngày 05 tháng 4 năm 2021 về thực hiện Quyết định 36/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Ngoài ra, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh đã lần lượt ban hành Nghị quyết 22/2019/NQ-HĐND ngày 12 tháng 7 năm 2019 và Quyết định 26/2019/QĐ-UBND ngày 13 tháng 8 năm 2019 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Hà Nam nhằm cụ thể hoá các chính sách của Chính phủ, tạo hành lang pháp lý cho địa phương thực hiện các nội dung hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Mặc dù vậy, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại một số hạn chế, chủ yếu là:

Thứ nhất, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa tạo được sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội; hoạt động đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp còn chậm; sản phẩm công nghệ cao hoặc ứng dụng công nghệ cao còn ít, đặc biệt là chưa có nhiều sản phẩm, công nghệ sản xuất đạt trình độ quốc gia và khu vực.

Thứ hai, năng lực nghiên cứu, chuyển giao kết quả nghiên cứu nói chung và công nghệ nói riêng của các tổ chức khoa học và công nghệ và đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; phạm vi, lĩnh vực hoạt động còn hẹp; việc chuyển đổi hoạt động theo cơ chế tự chủ của các tổ chức và đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập còn chậm.

Thứ ba, sự đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự đúng trọng tâm, mức độ đầu tư chưa tương xứng với yêu cầu; nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ không được đầu tư mở rộng, duy trì làm hạn chế hiệu quả.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong giai đoạn tới, một số quan điểm sau đây cần được nhấn mạnh:

Một là, tiếp tục khẳng định, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng quan trọng và là động lực chủ yếu để phát triển tỉnh Hà Nam nói riêng, đất mước nói chung, tránh nguy cơ tụt hậu.

Hai là, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải hướng tới giải quyết tốt những thách thức mang tính thời đại, đảm bảo phát triển nhanh bền vững.

Ba là, cần tập trung đầu tư phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ, xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; quan tâm tháo gỡ các rào cản về hệ thống luật pháp và chính sách tài chính, tín dụng đối với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; mạnh dạn thử nghiệm chính sách mới, chấp nhận rủi ro khi đầu tư cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là khi triển khai các mô hình mới.

Bốn là, tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo một cách tập trung có trọng điểm, đồng thời chú trọng huy động các nguồn lực đầu tư từ xã hội.

Có thể thấy, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có vai trò đặc biệt quan trọng tạo ra những bước phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội, giải quyết các thách thức mang tính thời đại, góp phần kiến tạo một tương lai bền vững. Ngược dòng lịch sử, chính những thành tựu khoa học, kĩ thuật nổi bật của Châu Âu và Bắc Mỹ thời kì CMCN lần thứ nhất đã thôi thúc các chiến  sĩ yêu nước, điển hình là Nguyễn Ái Quốc, ra đi tìm con đường giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, để rồi hôm nay, chúng ta khơi dậy khát vọng phát triển một nước Việt Nam hùng cường vào năm 2045.

Ngày Khoa học và Công nghệ năm nay, ngày 18 tháng 5 năm 2021, diễn ra trong  bối cảnh hết sức đặc biệt: cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước đang chung sức, đồng lòng thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời khôi phục và phát triển kinh tế. Bỏ lại phía sau bức tranh ảm đạm về kinh tế - xã hội, chúng ta hãy xem đại dịch COVID-19 là “cơ hội" để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động đổi mới sáng tạo để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là đòn bẩy khơi dậy khát vọng, kiến tạo tương lai./.

Bản tin Khoa học và Công nghệ