Việt Nam là quốc gia nằm ven Biển Đông, với bờ biển dài trên 3.260 km từ bắc xuống nam và hơn 3.000 hòn đảo. Vùng biển Việt Nam có nguồn tài nguyên phong phú, trong đó nhiều tài nguyên có giá trị lớn như dầu khí, nguồn lợi thủy sản. Việt Nam có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển bền vững kinh tế biển (KTB) với nhiều ngành từ khai thác tài nguyên biển, du lịch và dịch vụ biển, logistic đến các ngành mới như năng lượng tái tạo...
Nhờ lợi thế sẵn có và định hướng chính sách phù hợp, trong những năm qua, phát triển KTB của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của đất nước. Tuy nhiên, quá trình phát triển KTB cũng ẩn chứa không ít nguy cơ và thách thức như: tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực biển ven bờ; ô nhiễm rác thải, nhất là rác thải nhựa đang trở thành vấn đề cấp bách; các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển ngày càng suy giảm; một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức; công tác ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, biển xâm thực còn nhiều hạn chế; đồng thời chưa hình thành được văn hóa sinh thái biển, với sự tham gia rộng rãi của cộng đồng. Từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu tại Viện chiến lược và chính sách tài chính do ThS. Lê Minh Hương dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính để phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030” từ năm 2020 đến năm 2021.
Đề tài nhằm thực hiện các mục tiêu sau: làm rõ được một số luận cứ khoa học về KTB và cơ chế, chính sách tài chính để phát triển KTB; đánh giá thực trạng phát triển KTB, xu hướng phát triển KTB trong tương lai và chỉ ra những vấn đề/yêu cầu đặt ra đối với chính sách tài chính để phát triển KTB; đánh giá thực trạng cơ chế, chính sách tài chính để phát triển KTB ở Việt Nam và chỉ ra những vấn đề cần hoàn thiện; và đưa ra được những giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính nhằm phát triển KTB Việt Nam.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành đánh giá thực trạng chính sách tài chính phát triển KTB và nhận thấy mặc dù các chính sách ưu đãi cho các ngành ưu tiên phát triển trong KTB đã được chú trọng và ban hành tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, hệ thống chính sách, pháp luật phát triển KTB chưa đồng bộ, chưa tính hết các đặc thù của KTB nên chưa tạo được sức mạnh để điều chỉnh các hoạt động phát triển KTB, chưa đủ hấp dẫn thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực KTB. Trong đó, một số hạn chế nổi bật được xác định như: (i) nguồn lực cho cơ sở hạ 36 tầng, kỹ thuật, phục vụ nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực chủ yếu là nguồn lực công; (ii) chính sách thuế còn một số bất cập trong chính sách thuế GTGT; (iii) chính sách tài chính đất đai chưa tính hết các tác động của chính sách đến đối tượng thực hiện chính sách, phương pháp hệ số trong tính giá đất còn tồn tại bất cập khi áp dụng như nhau đối với mọi loại đất; (iv) chính sách tín dụng, đặc biệt là tín dụng đầu tư theo xu hướng thu hẹp danh mục đầu tư và cũng chưa bao quát hết đối tượng được hưởng ưu đãi từ tín dụng đầu tư; (v) chính sách bảo hiểm chưa thực sự tạo động lực và trách nhiệm cho ngư dân; (vi) chính sách giá chưa tính hết đặc thù về công nghệ cũng như đặc thù của các loại năng lượng tái tạo.
Giai đoạn tới, phát triển KTB ở Việt Nam tiếp tục chịu những tác động từ bối cảnh quốc tế và trong nước. Vì vậy, trên cơ sở những tồn tại, hạn chế trong phát triển KTB, những vấn đề đặt ra từ thực trạng chính sách tài chính phát triển KTB, những nhận định về cơ hội và thách thức từ bối cảnh quốc tế, nội tại phát triển KTB ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu sử dụng phân tích SWOT để phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức trong phát triển KTB ở Việt Nam trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng kết hợp các chiến lược của SWOT theo các hướng S-O (điểm mạnh - cơ hội); S-T (điểm mạnh - thách thức); W-O (điểm yếu - cơ hội); W-T (điểm yếu- thách thức) để xác định các định hướng (i) Phát triển - đầu tư; (ii) Duy trì - khống chế; (iii) Tận dụng - khắc phục; (iv) Khắc phục - né tránh, qua đó đưa ra một số định hướng hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính phát triển KTB.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20249/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)