Một loạt video trên Youtube đã thu hút được rất nhiều lượt xem khi quay cảnh lại một đường ngăn cách kỳ lạ rạch đôi đại dương, với một bên là nước biển sẫm màu trong khi phần còn lại có màu sáng hơn. “Đường ranh giới” này thường xuất hiện ở khu vực cửa sông chảy ra biển, hoặc ở gần thềm các sông băng trôi nổi trên đại dương.
Tuy nhiên, trong các video, “đường ranh giới” ấy lại xuất hiện ở giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Điều này khiến người ta đặt ra câu hỏi liệu “đường ranh giới” kỳ lạ kia có thực sự tồn tại không? Nước biển của Thái Bình Dương và Đại Tây Dương hòa lẫn vào nhau, hay có sự tách biệt rõ ràng?
Các nhà hải dương học đã khẳng định, “đường ranh giới” là có thật, các vùng nước liên tục trộn lẫn vào nhau. Nước biển của Thái Bình Dương và Đại Tây Dương trộn lẫn với tốc độ khác nhau ở những nơi khác nhau, bên cạnh đó biến đổi khí hậu có sự tác động nhất định lên tốc độ này.
Nó giống như một vòng xoáy kem hòa tan vào cà phê: Các chất lỏng sẽ trộn đều với nhau, nhưng với tốc độ từ từ. Hiện tượng đó gần đúng là những gì đang xảy ra trong các video thể hiện ranh giới giữa các vùng nước biển khác nhau. Do nước biển ở một bên có thể mặn, sạch hoặc lạnh hơn bên kia, nên những chênh lệch này cần thời gian để trung hòa.
Đương nhiên, tốc độ trung hòa sẽ nhanh hơn dưới sự tác động của gió mạnh và sóng lớn. Nó cũng như việc ta dùng thìa khuấy mạnh cốc cà phê khiến kem hòa tan nhanh hơn trong cốc. Và tốc độ hòa trộn của nước biển ở Thái Bình Dương và Đại Tây Dương sẽ nhanh hơn so với những nơi khác.
Nước biển cũng trộn lẫn trong độ sâu lớn của đại dương. Thủy triều hàng ngày kéo nước dịch chuyển qua lại dưới đáy biển gập ghềnh. Điều đó gây ra rất nhiều nhiễu động. Nhưng nước từ các nguồn khác nhau có thể di chuyển quanh đại dương mà không bị trộn lẫn nhiều. Đại dương cũng giống như một chiếc bánh với nhiều lớp khác nhau, nhưng các lớp đó là nước. Ở lớp giữa, cách xa cả bề mặt và đáy biển, nước hòa trộn chậm hơn vì ít nhiễu loạn hơn.
Các nhà nghiên cứu phân biệt giữa hai khái niệm hòa lẫn và trao đổi nước. Hòa lẫn có nghĩa nước bị thay đổi vĩnh viễn mà không thể trở về ban đầu. Nhưng bạn có thể trao đổi hai khối nước mà không thay đổi đặc tính của chúng.
Nhờ những dòng hải lưu trên toàn cầu, mà Thái Bình Dương và Đại Tây Dương trao đổi nước liên tục. Dòng hải lưu mạnh quanh Nam Đại Dương ở Nam Cực kéo nước theo chiều kim đồng hồ quanh eo biển Drake từ Thái Bình Dương tới Đại Tây Dương. Nó cũng lấy nước từ các lưu vực đại dương trên thế giới, và sau đó bơm lại. Một dòng hải lưu khác di chuyển nước từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương và vòng qua mũi Nam Phi để nạp vào Đại Tây Dương từ hướng khác.
Nhìn chung, Thái Bình Dương và Đại Tây Dương hòa trộn với nhau, nhưng nó không đơn giản như hai vùng nước chỉ trộn vào nhau. Sự khác biệt về mật độ, nhiệt độ và độ mặn giữa hai đại dương tạo ra các rào cản ngăn không cho nước của chúng trộn lẫn với nhau một cách dễ dàng.
Triệu Cẩm Tú (NASATI), tổng hợp 10/2023