Hệ sinh thái khởi nghiệp Tokyo đã trải qua một quá trình chuyển đổi đáng chú ý, thúc đẩy sự tăng trưởng của các công ty đầu tư mạo hiểm, các công ty khởi nghiệp và tài năng khởi nghiệp, từ đó, tạo ra một môi trường năng động và thịnh vượng cho hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển kinh doanh. Đồng thời, hệ sinh thái cũng tạo ra một mạng lưới các công ty khởi nghiệp đổi mới dựa trên công nghệ trải rộng khắp các phân ngành để thúc đẩy khả năng tăng tốc và tăng trưởng liên tục. Với các chương trình hỗ trợ chuyên dụng hướng tới toàn cầu hóa và mở rộng quy mô, Tokyo được định vị để trở thành một cường quốc cạnh tranh trên sân khấu khởi nghiệp quốc tế.
Theo báo cáo của Hiệp hội Đầu tư mạo hiểm Nhật Bản (JVCA), trong thập kỷ qua, Nhật Bản là một điểm nóng đổi mới, với nguồn vốn đầu tư mạo hiểm trên khắp đất nước đã tăng gấp 10 lần, cùng đầu tư từ các nhà đầu tư tổ chức kích thích tăng trưởng khởi nghiệp. Số lượng các công ty khởi nghiệp tăng lên đã tạo ra những tiến bộ khoa học và công nghệ, được thúc đẩy bởi trình độ chuyên môn của các chuyên gia lành nghề, đồng thời, nâng cao tinh thần khởi nghiệp kinh doanh thông qua sáng kiến của các trường đại học và doanh nghiệp nhằm giúp việc thành lập doanh nghiệp trở nên dễ dàng và dễ tiếp cận hơn. Nhờ những nỗ lực này, tỷ lệ giao dịch tài trợ giai đoạn cuối của Tokyo đã tăng đáng kể so với phần còn lại của khu vực châu Á.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động ở Nhật Bản đang có xu hướng tăng lên, JVCA lưu ý rằng phụ nữ trong ngành đầu tư mạo hiểm có nhiều tiềm năng phát triển hơn trong 10 năm tới. Ngoài ra, báo cáo của JVCA cho thấy, trên khắp đất nước, khoảng cách tiền lương giữa các công ty khởi nghiệp và các công ty niêm yết có độ giãn cách ngày càng tăng, trong đó, các công ty khởi nghiệp thường tìm kiếm những cách thức thu hút nhân tài như đưa ra mức lương cạnh tranh, cao hơn nhằm thu hút các chuyên gia hàng đầu trong ngành. Tỷ lệ các vị trí mang lại thu nhập hằng năm từ 65.000 USD trở lên ở các công ty khởi nghiệp cao hơn 1,6 lần so với các công ty niêm yết đại chúng.
Chi tiêu R&D hằng năm trên cả nước vượt quá 33 tỷ USD. Mức tăng này đạt được nhờ nước này thực hiện nhiều sáng kiến khác nhau, trong đó, các công ty công nghệ ngày càng có xu hướng tập trung vào hợp tác khởi nghiệp. Đánh giá thường niên PCT năm 2023 của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới xếp hạng Nhật Bản là quốc gia có số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế cao thứ hai ở châu Á, với hơn 50.000 đơn mỗi năm trong ba năm qua. Trong số 50 công ty nộp đơn xin cấp bằng sáng chế hàng đầu trên toàn cầu, có 15 công ty đến từ Nhật Bản - quốc gia có mật độ tập trung cao nhất so với các quốc gia khác.
Tại địa phương, rất nhiều nhà đầu tư, vườn ươm doanh nghiệp, tổ chức chính phủ và hiệp hội ngành cùng nhau hợp tác để khơi dậy sự sống động của một hệ sinh thái khởi nghiệp vốn im ắng. Chiến lược khởi nghiệp của Chính quyền Thủ đô Tokyo, Đổi mới toàn cầu với STARTUPS, nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp thông qua xây dựng những chương trình tăng tốc khởi nghiệp và thúc đẩy đổi mới mở. Sáng kiến này liên quan đến Kế hoạch 5 năm Phát triển Khởi nghiệp” của chính phủ được đề ra vào năm 2022, nhằm mục đích đầu tăng mức đầu tư vào các công ty khởi nghiệp lên 65,8 tỷ USD vào năm 2027, cùng mục tiêu tạo ra 100 kỳ lân.
Với mục tiêu tìm kiếm và xây dựng tài năng khởi nghiệp thông qua việc mở rộng các chương trình hỗ trợ cố vấn, tăng số lượng trung tâm ươm tạo ở nước ngoài và hỗ trợ khởi nghiệp trong các trường đại học và trong giới sinh viên, Kế hoạch 5 năm Phát triển Khởi nghiệp góp phần thúc đẩy cộng đồng khởi nghiệp trong nước. Đồng thời, khuyến khích sự tham gia đầu tư của các quỹ công và tư nhân cũng đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm. Đặc biệt, các biện pháp ưu đãi thuế nhằm khuyến khích đổi mới mở cũng sẽ được thực hiện, với việc thiết lập luật tái cơ cấu tư nhân và mở rộng các chuẩn mực kế toán quốc tế nhằm thúc đẩy các hoạt động M&A (hoạt động sáp nhập hoặc mua lại của một công ty/tập đoàn với một công ty/tập đoàn khác.
Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp của Tokyo bao gồm CIC Japan G.K., trung tâm đổi mới sáng tạo lớn nhất ở Nhật Bản, nơi làm việc của hơn 250 công ty khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm và nhà nghiên cứu và Sáng kiến đổi mới Keio, một công ty quỹ đầu tư mạo hiểm do Đại học Keio thành lập để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp pthành lập các dự án kinh doanh đổi mới sáng tạo bằng cách sử dụng kết quả nghiên cứu của các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước. Đại học Tokyo, một trung tâm nghiên cứu đẳng cấp thế giới, xếp thứ 29 trong Bảng xếp hạng Đại học Thế giới 2024, vị trí cao nhất đối với một tổ chức của Nhật Bản kể từ năm 2015. Đại học Tokyo Edge Capital Partners hợp tác với các học viện ở Nhật Bản và nước ngoài để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp khoa học và công nghệ đang thực hiện đổi mới nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Các công ty khởi nghiệp thường hợp tác với các công ty, tổ chức nghiên cứu và cơ quan chính phủ đã thành danh, tạo điều kiện thực hiện chuyển giao kiến thức và thúc đẩy văn hóa đổi mới trong toàn hệ sinh thái. Những công ty này góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo ở Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm chăm sóc sức khỏe, tài chính và sản xuất, thông qua việc giới thiệu các công nghệ mới mang tính đột phá, thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới cũng như thách thức các chuẩn mực hiện có.
N.K.L (NASATI), theo: startupgenome.com, 12/2024