Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Hà Nam

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo  
Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Hà Nam

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, dựa trên nền tảng công nghệ thông minh đang làm thay đổi nhanh chóng và sâu rộng cuộc sống, hành vi của mỗi chúng ta, tạo điều kiện thuận lợi để tăng năng suất và phát sinh những mô hình, phương thức kinh doanh mới. Cuộc cách mạng này đang định hình lại thế giới theo hướng: các quốc gia dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên bị suy giảm mức độ ảnh hưởng, thay vào đó là sự gia tăng sức mạnh của các nước dựa trên nền tảng công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) là chủ đề đang được lãnh đạo Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Đúng vào Ngày Khoa học và Công nghệ cách đây hai năm, ngày 18 tháng 05 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (gọi tắt là Đề án 844). Kể từ đó, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp rất tích cực triển khai các hoạt động KNĐMST.

Hệ sinh thái KNĐMST nói chung và hoạt động KNĐMST nói riêng tuy mới hình thành nhưng cũng đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Ngay trong năm Quốc gia khởi nghiệp  2016, chỉ tính riêng 5 thương vụ kêu gọi vốn thành công nhất đã có tổng giá trị lên đến hơn 50 triệu USD (Momo, F88, Got It, Vntrip.vn, Toong). Mới đây, doanh nghiệp Foody - mạng xã hội về ẩm thực - đã được SEA mua lại hơn 82% cổ phần với giá hơn 64 triệu USD. Đây được coi là vụ đầu tư lớn nhất trong năm 2017. Đã có hơn 900 dự án khởi nghiệp được ươm tạo với 300 sản phẩm khởi nghiệp được kết nối với cộng đồng và các quỹ đầu tư. Hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm đã có hoạt động tại Việt Nam, trong đó phải kể đến IDG Ventures, CyberAgent Ventures, Captii Ventures, Gobi Partners. Hiện tại, đã có hơn hai mươi cơ sở ươm tạo (Business Incubator, BI), hàng chục tổ chức thúc đẩy kinh doanh (Business Accelerator, BA). Nhiều mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp được hình thành, tiêu biểu là Mạng lưới hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chương trình Sáng kiến cố vấn khởi nghiệp Việt Nam. Theo thống kê của Tạp chí Echelon (Singapore), tính đến hết năm 2017, ở Việt Nam có khoảng 3000 doanh nghiệp KNĐMST. Theo một báo cáo tại Diễn đàn Khởi nghiệp trẻ năm 2017, Việt Nam đang dẫn đầu thế giới về chỉ số tinh thần khởi nghiệp và thứ hai về thái độ tích cực với khởi nghiệp.

Những con số ấn tượng này đã khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái KNĐMST quốc gia. Và Việt Nam được đánh giá là một quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển hệ sinh thái KNĐMST.

Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ ngày 01 tháng 11 năm 2012 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, tỉnh Hà Nam đã và đang đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) trọng điểm theo mô hình tiên tiến; thúc đẩy hoạt động ĐMST và hỗ trợ khởi nghiệp; phát triển mạng lưới tổ chức dịch vụ KH&CN, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ mới; đồng thời khuyến khích hình thành các vườn ươm công nghệ và ươm tạo doanh nghiệp KH&CN. Hiện nay, tỉnh Hà Nam có 5 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận Doanh nghiệp KH&CN. Quá trình hoạt động của các doanh nghiệp này bước đầu khẳng định khả năng ĐMST trong nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào thực tiễn sản xuất, góp phần tạo ra một số mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành, thực thi nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp KNĐMST nói riêng.

Nằm ở cửa ngõ phía nam của thủ đô Hà Nội với hệ thống giao thông đa dạng, Hà Nam rất thuận lợi trong giao lưu kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học - kỹ thuật với các tỉnh, thành trong vùng và cả nước, nhất là vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Mặt khác, Hà Nam có  bề dày lịch sử truyền thống với nhiều nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc; hệ thống giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp rộng khắp các lĩnh vực kinh tế - xã hội; nguồn nhân lực dồi dào, có trình độ văn hóa, có khả năng tiếp nhận và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ. Ngoài ra, sự đa dạng về địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, thuỷ văn, hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối phát triển là những lợi thế để Hà Nam phát triển một nền công - nông nghiệp hiện đại, tiên tiến.

Có thể nói, đây là những tiền đề quan trọng để xây dựng một hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, ở Hà Nam, một số yếu tố của hệ sinh thái còn thiếu và yếu, trong đó phải kể đến cơ sở hạ tầng dành cho khởi nghiệp, thị trường vốn và tài chính (các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư cá nhân, các ngân hàng, tổ chức đầu tư tài chính), các tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp, các huấn luyện viên khởi nghiệp và nhà tư vấn khởi nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực (nhất là nhân lực trình độ cao). Để sớm hình thành một hệ sinh thái KNĐMST phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, trước mắt, Hà Ham cần thực hiện một số việc sau:

Một là, tiếp tục thực hiện hiệu quả các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy ban hành ngày 08 tháng 04 năm 2016 là Nghị quyết 04-NQ/TU về phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, tạo nền tảng phát triển công nghiệp với tốc độ cao, bền vững giai đoạn 2016 - 2025, Nghị quyết 05-NQ/TU về đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến 2035, và Chỉ thị 09-CT/TU ngày 08 tháng 11 năm 2016 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Hai là, kiến nghị UBND tỉnh sớm ban hành kế hoạch hành động triển khai Đề án 844 phù hợp với điều kiện của Hà Nam làm cơ sở huy động sức mạnh của hệ thống chính trị, nguồn lực của xã hội trên địa bàn tỉnh. Một kế hoạch chi tiết, đầy đủ cùng với thông điệp đổi mới rõ ràng, những chính sách hấp dẫn sẽ tạo niềm tin cho các đối tượng KNĐMST và các nhà đầu tư.

Ba là, triển khai đào tạo, tập huấn cho các cá nhân thực hiện công tác KNĐMST. Trên thực tế, khái niệm KNĐMST vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam nói chung, Hà Nam nói riêng, do vậy, công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, nhận thức cho các đối tượng làm công tác KNĐMST thật sự cần thiết. Trước hết, cần trang bị những kiến thức về khởi nghiệp, hệ sinh thái KNĐMST và những vấn đề liên quan cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước của các sở, ban, ngành, địa phương để hỗ trợ, thúc đẩy và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nhằm cung cấp các kiến thức, kỹ năng, công cụ khi khởi nghiệp cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh, nhất là học sinh - sinh viên, trước mắt lồng ghép hợp lý các nội dung cơ bản về KNĐMST trong chương trình giảng dạy ở các trường phổ thông, cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Trang bị cho các tổ chức, cá nhân KNĐMST văn hóa khởi nghiệp, đó là văn hóa doanh nhân, văn hóa chấp nhận rủi ro, mạo hiểm, thất bại, ý chí vươn lên mạnh mẽ.

Bốn là, phát triển mạng lưới doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp ĐMST, mà trước tiên thúc đẩy các doanh nghiệp KH&CN hiện có hoạt động hiệu quả hơn. Việc tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tất yếu phải dựa vào nền tảng KH&CN, trong đó, các doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp ĐMST được xem là lực lượng nòng cốt. Doanh nghiệp được xác định có vai trò chủ đạo trong thực hiện hệ sinh thái KNĐMST. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 05 doanh nghiệp KH&CN đang hoạt động khá hiệu quả, trở thành cầu nối đưa nhanh các nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào thực tiễn sản xuất, và đã tạo ra một số sản phẩm có giá trị gia tăng cao, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Năm là, tiếp tục tổ chức theo hướng nâng cao chất lượng và uy tín cho Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật, Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh niên thiếu niên và nhi đồng, Cuộc thi tin học trẻ nhằm khuyến khích các tầng lớp xã hội sáng tạo, tìm kiếm các ý tưởng mới lạ về khoa học và công nghệ. Chính những ý tưởng mới, có tính đột phá mới có khả năng thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc nhà đầu thư thiên thần.

Sáu là, nhanh chóng cụ thể hóa Luật Chuyển giao công nghệ 2017, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (trong đó, có nhiều quy định mới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo) cùng các cơ chế, chính sách khác tạo hành lang pháp lý hỗ trợ hoạt động KNĐMST.

Hy vọng rằng, cùng với sự quyết tâm của hệ thống chính trị, sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội, hệ sinh thái KNĐMST ở Hà Nam sẽ sớm hình thành với đầy đủ các đặc trưng. Một hệ sinh thái KNĐMST vận hành thông suốt, lành mạnh là điều kiện lý tưởng để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong toàn tỉnh./.​ 


Sở KH&CN Hà Nam