Skip Ribbon Commands
Skip to main content

HÀ NAM QUYẾT TÂM ĐƯA DU LỊCH TRỞ THÀNH NGÀNH KINH TẾ QUAN TRỌNG

Tin tức sự kiện  
HÀ NAM QUYẾT TÂM ĐƯA DU LỊCH TRỞ THÀNH NGÀNH KINH TẾ QUAN TRỌNG

Với thế mạnh vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên phong phú, đậm giá trị lịch sử - văn hóa, những năm qua, Hà Nam đã tập trung nguồn lực, quan tâm đầu tư, khai thác tiềm năng, thế mạnh, quyết tâm thực hiện mục tiêu đến năm 2030 du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, phát triển bền vững, đóng góp tổng hợp khoảng 10% GRDP của tỉnh.

Để hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, Hà Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp chiến lược nhằm xây dựng Hà Nam thành điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng. Thực hiện quan điểm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực, chủ động phối hợp các sở, ngành, địa phương triển khai xây dựng và hoàn thiện các quy hoạch, đề án, chương trình về phát triển du lịch.

4.png

Khu du lịch quốc gia Tam Chúc- Điểm du lịch văn hoá hàng đầu Việt Nam

Toàn tỉnh hiện có 12 điểm du lịch đã được công nhận, trong đó 05 khu, điểm du lịch đã được quy hoạch (Khu du lịch Tam Chúc, Điểm du lịch văn hóa tâm linh đền Lảnh Giang, Điểm du lịch văn hóa tâm linh đền Bà Vũ, Khu trung tâm lễ hội thuộc quần thể di tích lịch sử văn hóa đền Trần Thương, Điểm du lịch nhân văn Nam Cao). Đặc biệt, Khu du lịch Tam Chúc - “Điểm du lịch văn hóa hàng đầu Việt Nam" và “Điểm du lịch văn hóa hàng đầu châu Á" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển đến năm 2030, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành các tiêu chí để được công nhận là Khu du lịch quốc gia.

Việc ban hành các cơ chế, chính sách đúng đắn là yếu tố then chốt, tạo cơ sở pháp lý để Hà Nam khuyến khích, huy động các nguồn lực phát triển du lịch. Nhiều dự án đầu tư lớn đã đi vào khai thác, phát huy hiệu quả. Hệ thống nhà hàng, khách sạn, dịch vụ du lịch ngày càng được quan tâm, đầu tư, phát triển với chất lượng ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu của du khách. Tỉnh hiện có gần 200 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 02 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao, 09 khách sạn 3 sao, 18 khách sạn 1 - 2 sao với tổng số gần 4.000 phòng đạt tiêu chuẩn và gần 30 doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển khách du lịch hoạt động ổn định. Các cơ sở nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí cao cấp được đầu tư xây dựng như: Khách sạn Mường Thanh Luxury Hà Nam, Vinpearl Melia Phủ Lý, Inco 515.9, Riveside Hà Nam, sân golf Kim Bảng, khu phức hợp thể thao tại xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng…

Số lượt khách du lịch đến với Hà Nam trong những năm qua không ngừng gia tăng. Bình quân mỗi năm, Du lịch Hà Nam tăng trưởng từ 20 đến 25%. Năm 2023, Hà Nam đón khoảng 4.380.000 lượt khách, tổng thu du lịch ước đạt 3.382 tỷ đồng, đạt 109% kế hoạch năm. 3 tháng đầu năm 2024, tổng số lượng khách đến Hà Nam tham quan, du lịch ước đạt 3.040.000 lượt, trong đó khách du lịch quốc tế 41.000 lượt, khách nội địa ước đạt: 2.999.000 lượt, tổng thu từ du lịch ước đạt: 2.310,7 tỷ đồng.

Với vị trí địa lý thuận lợi, cảnh quan tươi đẹp, nguồn tài nguyên du lịch phong phú, Hà Nam đã ưu tiên tập trung đầu tư quy hoạch không gian di tích gắn với quy hoạch các khu, các loại hình, các tuyến du lịch, xây dựng thành các tuyến liên kết các điểm du lịch nhằm tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, môi trường du lịch an toàn, thân thiện và hấp dẫn. Toàn tỉnh có 1.888 di tích các loại, trong đó 247 di tích đã được xếp hạng (02 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 95 di tích cấp quốc gia và 140 di tích cấp tỉnh); 14 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 04 bảo vật Quốc gia, cùng nhiều làng nghề truyền thống, tỉnh đã xây dựng một số sản phẩm du lịch đặc trưng như: Du lịch tại các làng nghề truyền thống (gốm Quyết Thành, trống Đọi Tam, lụa Nha Xá, mây giang đan Ngọc Động...); Du lịch văn hóa - tâm linh, lễ hội (chùa Tam Chúc, chùa Địa Tạng Phi Lai Tự, chùa Cây Thị, chùa Phật Quang, chùa Bà Đanh, đền Trần Thương, đền Lảnh Giang…). Ngoài ra còn có: Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch thể thao (trong đó có sản phẩm du lịch golf).

Việc khai trương và đưa vào hoạt động không gian đi bộ gắn với phát triển thương mại, du lịch tại Thành phố Phủ Lý và thị xã Duy Tiên đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham quan và mua sắm, hỗ trợ phát triển các mô hình du lịch cộng đồng và sản phẩm làng nghề.

Với mục tiêu đưa Hà Nam trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng của vùng Thủ đô Hà Nội và Đồng bằng sông Hồng, là điểm đến hấp dẫn với sự kết hợp hài hòa của các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, sáng tạo, nhân văn, tỉnh kết hợp với các khu du lịch trọng điểm của vùng đồng bằng sông Hồng để hình thành các trục du lịch văn hóa - tâm linh độc đáo theo các tuyến chính như: Bái Đính - Tràng An - Tam Chúc, Chùa Hương - Tam Chúc. Bên cạnh đó, Hà Nam còn nghiên cứu xây dựng lộ trình liên kết chặt chẽ với các vùng đầu mối tập trung khách du lịch của cả nước như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh để quảng bá cũng như tìm kiếm, kết hợp với các doanh nghiệp lữ hành lớn nhằm khai thác và tổ chức các tour du lịch mới hấp dẫn.

Hà Nam tích cực tham dự liên hoan, hội chợ, triển lãm, chương trình khảo sát, hội nghị xúc tiến điểm đến du lịch trong và ngoài nước, điển hình như: Hội chợ Du lịch quốc tế ITE - Hồ Chí Minh 2023, Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2023; Hội nghị Hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp lần thứ 12 tại Hà Nội... nhằm tăng cường quảng bá tiềm năng, thế mạnh trong phát triển du lịch.

Với những kết quả khả quan đã đạt được trong lĩnh vực du lịch, Hà Nam vinh dự được công nhận là “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới 2023". Tuy nhiên, sự phát triển của du lịch Hà Nam những năm qua chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; các sản phẩm du lịch chưa phong phú, thiếu tính đột phá; lượng khách lưu trú còn thấp; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở kinh doanh vẫn còn hạn chế…

Để du lịch Hà Nam phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế quan trọng như mục tiêu đề ra, trước hết cần nâng cấp và làm mới các sản phẩm dịch vụ du lịch, phát triển các tuyến điểm, sản phẩm du lịch mới; tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch; đẩy mạnh đầu tư, chuyển giao ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong phát triển du lịch; tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch cho khách du lịch và cộng đồng dân cư. Tiếp tục tham vấn các chuyên gia đầu ngành để xây dựng chiến lược và các giải pháp đột phá nhằm hiện thực hóa tiềm năng, thế mạnh trong phát triển du lịch. Xây dựng, phát triển một số sản phẩm du lịch có thế mạnh, đặc trưng của tỉnh. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả công tác quản lý về chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa và dịch vụ theo quy định. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện các khu du lịch sinh thái và vui chơi, giải trí, hình thành các khu thương mại, dịch vụ cao cấp, các khu du lịch trọng điểm, khu nghỉ dưỡng... đáp ứng nhu cầu du khách trong và ngoài nước. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch Hà Nam qua các phương tiện thông tin đại chúng, các công cụ quảng bá trực tuyến; đẩy mạnh chuyển đổi số trong du lịch. Bên cạnh đó, sẽ phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp đăng cai tổ chức và tham gia các sự kiện du lịch, văn hóa, thể thao lớn trong và ngoài nước. Liên kết xây dựng thương hiệu và quảng bá điểm đến tại các thị trường có tiềm năng. Triển khai hiệu quả công tác phối hợp, trao đổi kinh nghiệm; kết nối tour, tuyến du lịch với các tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng vốn có, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, phát triển bền vững theo đúng định hướng của tỉnh./.


Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nam