Theo một thử nghiệm lâm sàng chéo của các nhà khoa học Mỹ gần đây được công bố trên Tạp chí Nutrition, việc thay thế thực phẩm làm từ bột ngô tinh chế và cám ngô có thể làm giảm cholesterol xấu LDL từ 5% đến 13,3% trong vòng bốn tuần.
Kết quả thử nghiệm so sánh tác động của bột ngô nguyên cám, bột ngô tinh chế và hỗn hợp (bột ngô tinh chế với cám ngô) cho thấy 70% người tham gia đã giảm đáng kể nồng độ cholesterol LDL khi tiêu thụ hỗn hợp. Đối với các loại bột ngô khác, mức LDL hoặc tổng lượng lượng cholesterol ở những người tham gia không giảm, cũng không tăng.
TS. Corrie Whisner tại Đại học Arizona, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Mọi người thường nghĩ rằng phải thay đổi đáng kể chế độ ăn mới có tác động thực sự đến sức khỏe tim mạch và điều hòa trao đổi chất. Điểm mấu chốt ở đây là ngô, loại thực phẩm độc đáo và chưa được đánh giá đúng mức. Nghệ thuật tinh chế ngũ cốc và tận dụng tối đa cám ngô có thể tạo ra những món ăn ngon, trong trường hợp này, cũng tình cờ mang lại kết quả tốt cho sức khỏe tim mạch”.
Nhóm nghiên cứu đã cung cấp cho những người tham gia các loại bánh nướng để kiểm soát loại và khối lượng bột ngô, và những người tham gia không tăng hoặc giảm lượng thức ăn từ ngũ cốc trong suốt quá trình nghiên cứu. Những loại bánh nướng này được tạo ra bởi thợ làm bánh bậc thầy quen thuộc với các kỹ thuật lập công thức thực phẩm và các thành phần đặc biệt được sử dụng trong các loại thực phẩm thường thấy trong cửa hàng tạp hóa. Mục tiêu của họ trong thiết kế này là đảm bảo rằng các phát hiện của nghiên cứu sẽ minh họa cho việc thường xuyên kết hợp các loại thực phẩm làm từ bột ngô nguyên cám như một phần của chế độ ăn tốt cho tim mạch ra sao.
Đáng ngạc nhiên là các phát hiện không cho thấy những thay đổi lớn hoặc nhất quán đối với sự đa dạng của hệ vi khuẩn đường ruột, điều này phù hợp với thực tế là những người tham gia cho biết không cảm thấy khó chịu hoặc thay đổi tiêu hóa trong quá trình can thiệp. Hai loại vi khuẩn Lachnospiraceae và Agathobaculum chưa được phân loại, có sự khác biệt rõ nét theo liệu pháp can thiệp. Agathobaculum (một loại vi khuẩn phổ biến trong hệ vi sinh đường ruột) tăng trong giai đoạn dùng bột ngô nguyên cám, nhưng lại không thay đổi trong hai giai đoạn còn lại.
Theo TS. Whisner, số lượng vi khuẩn Agathobaculum tăng có thể là do tính đa dạng của polyphenol trong ngô nguyên cám với khả năng chống oxy hóa cao nhất (khi so sánh với lúa mì, yến mạch và gạo), nhưng nghiên cứu đã không phân tích khả năng này. Tuy nhiên, mặc dù ngũ cốc nguyên cám ảnh hưởng đến hệ vi sinh đường ruột theo cách khác nhau tùy từng người, nhưng một số chất xơ phổ biến trong ngũ cốc nguyên cám có thể được vi khuẩn lên men thành butyrate. Cả chất xơ và butyrate thường có liên quan đến sức khỏe đường ruột. Phát hiện nghiên cứu củng cố thêm cho kiến thức này.
Ba mươi sáu người tham gia nghiên cứu đều ở Phoenix, AZ trong độ tuổi từ 18-67, trong đó có cả phụ nữ (khoảng 58%) và nam giới, đều có mức cholesterol LDL tăng nhẹ đến trung bình và không ai dùng thuốc hạ cholesterol trong quá trình nghiên cứu. Trong suốt quá trình thử nghiệm, những người tham gia đã luân phiên thực hiện từng biện pháp can thiệp bằng thực phẩm trong bốn tuần (với thời gian rửa trôi tối thiểu là hai tuần giữa các biện pháp can thiệp để trở về mức cơ bản) để đánh giá đồng đều hơn tác động của từng biện pháp can thiệp.
N.P.D (NASATI), theo Scietecdaily, 8/2024