Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đưa mạ khay, cấy máy vào sản xuất lúa là như cầu thiết yếu

Tin tức sự kiện  
Đưa mạ khay, cấy máy vào sản xuất lúa là như cầu thiết yếu

Hà Nam hiện nay đang áp dụng phổ thông 3 phương pháp gieo cấy trong sản xuất lúa, đó là gieo mạ cấy lúa truyền thống; gieo sạ (gieo thẳng lúa); gieo sạ áp dụng phương pháp hiệu ứng hàng biên (hàng rộng hàng hẹp). Tuy nhiên mỗi phương pháp bên cạnh những ưu điểm thì cũng có những hạn chế nhất định, cho nên nhiệm vụ đặt ra với các cán bộ kỹ thuật là phải nghiên cứu, tìm hiểu, thử nghiệm phương pháp mới để cải tiến thay thế cho hiệu quả hơn.

Qua tìm hiểu ở nhiều địa phương cho thấy: máy cấy lúa đã được sản xuất chấp nhận như là một giải pháp trong việc ứng dụng cơ giới hóa trong khâu gieo cấy lúa nhằm giảm lượng hạt giống gieo sạ, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tăng năng suất - chất lượng lúa gạo và qua đó tăng hiệu quả kinh tế sản xuất lúa. Chính vì thế, nhiều địa phương đang bắt đầu nhân rộng mô hình lúa cấy máy, không những cho sản xuất giống, sản xuất lúa an toàn mà còn cho sản xuất lúa thương phẩm đại trà vì tính hiệu quả của giải pháp cấy máy. Điều đặc biệt là, ngoài những lợi thế mang tính “định lượng", dễ nhìn thấy, thì lúa cấy máy còn thể hiện được đặc tính nổi trội, là có khả năng thích ứng hơn với điều kiện biến đổi khí hậu so với các hình thức gieo cấy khác đang phổ biến hiện nay.

Tại Hà Nam phương pháp gieo cấy lúa hiện nay vẫn chủ yếu là phương pháp gieo cấy thủ công truyền thống mất nhiều lao động trong khi lao động trong nông nghiệp ngày càng thiếu, nông thôn phần lớn còn lại là người già và trẻ em. Do vậy, chi phí sản xuất tăng, nhiều địa phương còn có hiện tượng dân bỏ trống ruộng không cấy. Bên cạnh phương pháp gieo cấy truyền thống, phương pháp gieo thẳng lúa cũng đã được bà con áp dụng rộng rãi. Ngoài những ưu điểm của phương pháp gieo thẳng đem lại thì phương pháp gieo thẳng lúa cũng bộc lộ nhiều bất cập như việc lạm dụng thuốc BVTV ở một số diện tích (đặc biệt là lạm dụng thuốc trừ cỏ đối với chân đất cốt cao, lạm dụng thuốc trừ ốc bươu vàng ở chân ruộng trũng), lạm dụng giống ở hầu hết các diện tích để mật độ cây có thể lên tới 200-400 cây/m2, dẫn đến tình trạng lúa quá dầy phải tăng chi phí dặm tỉa, sâu bệnh nhiều, dễ bị lốp đổ ảnh hưởng lớn đến năng suất. Vì vậy cần thiết phải có giải pháp để phát triển phương pháp gieo mạ khay cấy bằng máy, từng bước giảm dần diện tích gieo thẳng và tăng tỷ lệ cơ giới hóa vào các khâu trong sản xuất.

Từ những việc nghiên cứu và tham quan học hỏi, Trung tâm khuyến nông đã nhận định giải pháp cấy lúa bằng mạ khay, cấy máy đang được áp dụng phát triển tại nhiều tỉnh là giải pháp tương đối hiệu quả, sẽ là xu hướng tất yếu trong tương lai sản xuất lúa tại Hà Nam. Trung tâm đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp&PTNT Hà Nam xây dựng và đã được UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Phát triển dịch vụ mạ khay, cấy máy giai đoạn 2020-2023" theo Quyết định số 1340/QĐ-UBND ngày 06 tháng 7 năm 2020.

Theo bà Nguyễn Thị Nhâm, trưởng phòng Chuyển giao kỹ thuật - Trung tâm Khuyến nông Hà Nam thì: Tuy cấy lúa bằng mạ khay cấy máy sẽ giúp nông dân giảm công lao động, giảm diện tích chân mạ, giúp lúa sinh trưởng phát triển tốt, năng suất cao nhưng cấy máy đòi hỏi khâu làm mạ phải có kỹ thuật nhất định, đòi hỏi bà con cần tuân thủ theo đúng quy trình hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Bên cạnh đó chi phí cấy máy tuy có giảm so với phương pháp cấy truyền thống nhưng vẫn cao hơn so với phương pháp gieo thẳng lúa nên cần có sự vào cuộc của cả hệ thống trong việc quan tâm đầu tư hỗ trợ, mới đẩy nhanh tốc độ cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa, giúp giải phóng sức lao động cho nông dân và tiến tới xã hội hóa mạ khay và cấy máy.

Thực hiện Đề án “Phát triển dịch vụ mạ khay, cấy máy giai đoạn 2020-2023" theo Quyết định số 1340/QĐ-UBND ngày 06 tháng 7 năm 2020, vụ xuân 2021, Trung tâm Khuyến nông Hà Nam đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh triển khai gieo cấy lúa bằng mạ khay cấy máy với mục tiêu: năm 2021 phấn đấu ngay trong vụ Xuân đạt 1.000 ha diện tích, vụ Mùa đạt 650 ha bằng mạ khay, cấy máy. Triển khai xây dựng 3 mô hình dịch vụ mạ khay tại huyện Kim Bảng, Bình Lục và Thị xã Duy Tiên. Đây là các hạt nhân lòng cốt, điển hình để thúc đẩy phát triển dịch vụ mạ khay phục vụ cấy máy trên địa bàn. Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với các đơn vị chuyên môn xây dựng 04 mô hình trình diễn cấy máy với tổng diện tích 100ha tại Kim Bảng, Bình Lục, Lý Nhân và thị xã Duy Tiên.Tổ chức tập huấn, chuyển giao Khoa học kỹ thuật cho các đối tượng tham gia Đề án và các địa phương có nhu cầu; tổ chức tuyên truyền nhân rộng từ những mô hình điểm, hiệu quả...

Tại cánh đồng Đa Cát, Phù Đê xã Tượng Lĩnh, bà con nơi đây đang rất vui mừng phấn khởi vì vụ Xuân 2021 này không phải lội ruộng nhờ có chiếc máy cấy chạy băng trên mặt ruộng. Bác Phạm Thị Thơm vừa trang mặt ruộng vừa cho biết: đây là vụ thứ 3 gia đình bác cấy lúa bằng mạ khay máy cấy. Với bác cấy bằng máy cấy rất tiện lợi và nhanh chóng, giảm đáng kể công lao động và thời gian lao động. Gia đình bác cũng khẳng định, sẽ luôn lựa chọn gieo cấy lúa bằng mạ khay máy cấy ở các vụ lúa năm sau. Ông Nguyễn Văn Sâm, Giám đốc HTXDVNN xã Tượng lĩnh cho biết: Vụ xuân 2021 toàn HTX triển khai 60ha diện tích mạ khay máy cấy. Hiện tại HTX có tổng số 6 máy cấy 4 hàng, năng suất đạt trung bình 7 mẫu/1 máy cấy/ngày. HTX đã ký kết với công ty Nam Dương cung cấp giống và tiêu thụ thóc tươi cho các hộ tham gia với giá theo thị trường dự kiến 6.800 đồng/kg. Các giống đưa vào sản xuất mạ khay máy cấy vụ Xuân là DT37, ND502, TL2. Giao cho tổ dịch vụ làm các khâu dịch vụ từ cày bừa, ngâm ủ giống, mạ khay, cấy máy và giao ruộng cho các hộ với giá 300.000 đồng/sào (bao gồm tiền giống, công dịch vụ).

Theo đánh giá chung: Mạ khay cấy máy sẽ từng bước giảm dần diện tích gieo thẳng và tăng tỷ lệ cơ giới hóa vào các khâu trong sản xuất. Đặc biệt thể hiện rất rõ trong việc tiết kiệm thời gian và giảm rõ nét công lao động, chi phí dịch vụ cũng phù hợp với khả năng, điều kiện của người sản xuất trong việc đầu tư chi phí. Đồng thời giảm diện tích chân mạ, giúp lúa sinh trưởng phát triển tốt, năng suất cao. Tuy nhiên cấy máy đòi hỏi khâu làm mạ phải có kỹ thuật nhất định, yêu cầu bà con cần tuân thủ theo đúng quy trình hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Đồng thời, cấy lúa bằng mạ khay máy cấy tuy có giảm so với phương pháp cấy truyền thống, nhưng vẫn cao hơn so với phương pháp gieo thẳng lúa, nên cần có sự vào cuộc của cả hệ thống trong việc quan tâm đầu tư hỗ trợ, nhằm đẩy nhanh tốc độ cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa, giúp giải phóng súc lao động cho nông dân và tiến tới xã hội hóa mạ khay và cấy máy.

Để khuyến khích động viên bà con mạnh dạn đưa mạ khay máy cấy vào đồng ruộng, một số HTX đã áp dụng những chính sách hỗ trợ phần nào. Như ở HTX Tượng Lĩnh hỗ trợ thêm 100 đồng/kg thóc khi thu hoạch. Giám đốc HTX DVNN Tân Sơn huyện Kim Bảng đã quyết định mua máy cấy 6 hàng trị giá 350 triệu về cấy dịch vụ, đặc biệt hỗ trợ 100% tiền giống cho bà con khi tham gia cấy lúa bằng mạ khay máy cấy tại vụ xuân 2021./. 

Bản tin Khoa học và Công nghệ