Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Điện hạt nhân - kinh nghiệm từ Trung Quốc

Liên hiệp hội  
Điện hạt nhân - kinh nghiệm từ Trung Quốc
Chuyển dịch nhà máy ĐHN từ duyên hải vào lục địa

Ông Đoàn Văn Bình, Phó Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng cho biết, đến tháng 9, trên toàn thế giới có khoảng 436 lò phản ứng đang vận hành với tổng công suất lắp máy 370.260GW; 33 lò đang xây dựng và 50 lò đang quy hoạch trong đó chủ yếu là các lò ứng dụng công nghệ PWR, BWR. Hiện nay, có 16 quốc gia có tỷ trọng về sản lượng ĐHN chiếm 20%. Trong số đó, Mỹ, Pháp Nhật là ba nước có số lò phản ứng đang vận hành lớn nhất thế giới. ĐHN, thủy điện và nhiệt điện được coi là ba nguồn điện năng chính của điện lực thế giới.

“Ước tính, đến năm 2020 chúng ta sẽ thiếu hụt khoảng 50 tỷ kWh điện. Để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện ngày càng cao và bảo vệ môi trường, tìm kiếm phát triển nguồn năng lượng sạch, phát triển năng lượng hạt nhân là giải pháp tháo gỡ vấn đề này", ông Phan Minh Tuấn, Giám đốc Ban chuẩn bị đầu tư dự án ĐHN và năng lượng tái tạo nói.

Tháng 7 vừa qua, báo cáo đầu tư của Dự án nhà máy ĐHN Ninh Thuận đã được Hội đồng thẩm định Nhà nước thông qua. Sau đó, dự án cũng đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chính trị thông qua. Sắp tới, dự án sẽ được đưa ra trình bày tại phiên họp thứ 6 QH khóa 12 khai mạc vào ngày 20-10 để phê duyệt.

Dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận với 2 nhà máy, 4 tổ máy công suất 1000 MW/tổ dự kiến sẽ đưa vào vận hành bắt đầu từ năm 2020 và 2021. Hai địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân đã được chọn là ở Vĩnh Hải và Phước Dinh, tỉnh Ninh Thuận, sẽ khởi công xây dựng vào năm 2014.

Dự kiến tỷ trọng ĐHN trong hệ thống điện sẽ đạt khoảng 7-9% vào năm 2030 và tăng dần trong nửa đầu thế kỷ 21. Đến năm 2050, ĐHN sẽ phải đóng góp vào lưới điện từ 15-20%.

Theo ông Phan Minh Tuấn, hiện nay Việt Nam đã lựa chọn được 10 địa điểm có thể xây dựng nhà máy ĐHN. Ngoài hai địa điểm đang chuẩn bị xây dựng, còn 8 địa điểm khác nằm dọc miền duyên hải từ bắc Trung Bộ vào miền nam là: Kỳ Xuân (Hà Tĩnh), Vĩnh Linh (Quảng Trị), Đức Thắng, Đức Chánh (Quảng Ngãi), Hoài Mỹ (Bình Định), Xuân Phương (Phú Yên), Bình Tiên (Ninh Thuận), Hòn Đất (Kiên Giang).

Chia sẻ với Việt Nam, ông Jimmy Tin - Nan Wang, Phó Tổng giám đốc Công ty Công trình ĐHN, Tập đoàn ĐHN Quảng Đông cho biết, hiện nay dọc bờ duyên hải của Trung Quốc đã quy hoạch kín các nhà máy ĐHN với 17 nhà máy để sử dụng nước biển làm mát. Vì thế, nước này đang có ý định đưa các nhà máy ĐHN đi sâu vào thềm lục địa. Cuối năm 2010, nhà máy ĐHN Đại Phán sẽ được khởi công ở Hàm Ninh - Hồ Bắc. Đây sẽ là nhà máy ĐHN nằm trong lục địa đầu tiên ở Trung Quốc, cũng là nhà máy ĐHN sử dụng công nghệ AP 1.000 đầu tiên của thế giới nằm trong đại lục.

Lựa chọn công nghệ: Phải an toàn, tin cậy kinh tế

Theo quy hoạch ĐHN, mặc dù Việt Nam chưa lựa chọn đơn vị cung cấp công nghệ nhưng yếu tố để lựa chọn sẽ là lò phản ứng nước nhẹ BWR hoặc PWR thế hệ 2+ trở lên có công suất khoảng 1.000 MW với tuổi thọ khoảng 60 năm và là công nghệ đã được chứng minh trải nghiệm. Nguồn vốn cho nhà máy ĐHN đã được xác định tỷ lệ nhà đầu tư 25% và 75% là vốn vay nước ngoài.

Ông Tạ Văn Hường , Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Bộ Công thương cho rằng, đối với nhà máy đầu tiên, Việt Nam sẽ tận dụng tối đa kinh nghiệm của nước ngoài, năng lực trong nước đến đâu thì tham gia vào đến đấy. Việc đấu thầu chọn đối tác và công nghệ phải xem xét đến nhiều yếu tố khác ngoài giá cả như quan hệ chính trị, xã hội, văn hóa… An toàn, kinh nghiệm và khả năng giúp Việt Nam thu xếp nguồn vốn đầu tư cũng trở thành những tiêu chí lựa chọn.

Chia sẻ những kinh nghiệm lựa chọn công nghệ, ông Shu Guogang, Tổng giám đốc Công ty Công trình ĐHN, Tập đoàn ĐHN Quảng Đông cho rằng, cần phải nhấn mạnh tới yếu tố thành thạo công nghệ. Khi mới phát triển ĐHN, việc lựa chọn một công nghệ đã qua trải nghiệm, đã áp dụng nhiều và thành thạo là điều cần thiết. Cùng với đó là sự phù hợp với điều kiện quốc gia về chi phí đầu tư, giá thành. Đối với một công nghệ tiên tiến, điều quan trọng nhất là phải bảo đảm được các yếu tố an toàn, tin cậy và kinh tế.

Việc xây dựng ĐHN Trung Quốc được bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ trước, đến nay đã đi vào giai đoạn phát triển nhanh chóng. Hiện tại, Trung Quốc đã đưa vào vận hành 11 tổ máy ĐHN với tổng công suất lắp máy vào khoảng 9100MW. Đồng thời, có 24 tổ máy đang trong quá trình xây dựng với tổng công suất lắp máy khoảng 25400MW. Đến năm 2020, công suất lắp máy của các tổ máy đã xây xong sẽ đạt khoảng 40000MW, công suất của các tổ máy đang xây đạt 18000MW. Trong quá trình này, Trung Quốc đã tự nghiên cứu phát triển loại lò nước áp lực cải tiến thế hệ 2 áp dụng công nghệ CPR1000.

“Cùng với làm chủ công nghệ, việc nội địa hóa thiết bị sẽ góp phần làm giảm giá thành thiết bị công nghệ", ông Shu Guogang nói. “Hiện nay, việc nội địa hóa thiết bị ở Trung Quốc có thể đạt mức 100% nhưng chúng tôi sẽ vừa mua sắm công nghệ nước ngoài, vừa tự nghiên cứu, chế tạo trong nước". Từ công nghệ gốc nhập của Pháp, Trung Quốc đã nghiên cứu phát triển các thế hệ công nghệ ĐHN mới như AP 1.000 và đang phát triển mạnh mẽ công nghệ CPR 1.000 mới.

Nhà máy ĐHN đầu tiên Trung Quốc xây dựng (Vịnh Đại Á) có giá thành đầu tư mỗi KW lên tới 2.700 USD, tuy nhiên, đến nay khi đã cải tiến nội địa hóa, chủ động về công nghệ, chi phí này chỉ còn 1.500 USD/kW.

Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng về địa lý, văn hóa, chính trị nên sẽ có nhiều cơ hội cho hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm phát triển ĐHN. Tháng 12-2000, Trung Quốc và Việt Nam đã ký bản “Hiệp định hợp tác hòa bình trong sử dụng năng lượng hạt nhân". Ông Shu Guogang cho biết sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong quá trình phát triển ĐHN trong những năm qua cho phía Việt Nam - “Bất kỳ quốc gia nào khi phát triển ĐHN đều phải đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. Việt Nam phát triển ĐHN sau nhưng ưu thế lớn nhất là sẽ được tiếp thu và học những kinh nghiệm của các nước đi trước".

Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam


Theo most.gov.vn