Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Nam

Tin tức sự kiện Tin tức nổi bật  
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Nam

Với nhiệm vụ được UBND tỉnh giao: Đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) của các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã thành lập Ban Chỉ huy PCTT và TKCN ngành Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Nam; xây dựng kế hoạch PCTT và TKCN của ngành; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách các đơn vị, địa bàn; tiến hành kiểm tra công tác PCTT và TKCN tại các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông.

9.png

Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai 

và tìm kiếm cứu nạn năm 2024 tại điểm cầu UBND tỉnh Hà Nam

Ngay từ đầu năm, Sở Thông tin và Truyền thông có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh: Tiến hành tổng kết, đánh giá công tác PCTT và TKCN, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN của doanh nghiệp; Xây dựng và triển khai các phương án đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác PCTT và TKCN của các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh; Thực hiện chủ trương nâng cấp hạ tầng; chỉnh trang, bó gọn, ngầm hóa mạng cáp viễn thông; tăng cường công tác kiên cố hoá nhà trạm, phòng máy đảm bảo an toàn theo quy định; kiểm tra định kỳ, thực hiện bảo trì, đánh giá chất lượng cột ăng ten trạm BTS nhằm đảm bảo an toàn cho khai thác, sử dụng; Chuẩn bị thiết bị thông tin liên lạc, phương tiện và các vật tư dự phòng sẵn sàng phục vụ đảm bảo thông tin liên lạc cho công tác chỉ đạo, điều hành PCTT và TKCN; Tổ chức nghiêm chế độ trực ban PCTT và TKCN, trực điều hành và trực ứng cứu thông tin trong mùa mưa bão. Theo dõi sát diễn biến của thiên tai, tiếp nhận kịp thời và tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước về công tác PCTT và TKCN trên địa bàn tỉn​h.

Năm 2023, trên địa bàn tỉnh Hà Nam mặc dù thiên tai không diễn ra dồn dập và khốc liệt như những năm trước nhưng vẫn mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường, tác động tiêu cực đến sản xuất, đời sống của nhân dân trong tỉnh. Tuy nhiên, với tinh thần cảnh giác, chuẩn bị sẵn sàng trước mọi tình huống xấu, Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND tỉnh về công tác PCTT và TKCN.

Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông triển khai thực hiện tốt phương án PCTT và TKCN, bảo đảm an toàn về người và hạ tầng mạng bưu chính, viễn thông; đặc biệt là trạm BTS và các tuyến cáp truyền dẫn; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống phục vụ tốt sự chỉ đạo, điều hành công tác PCTT và TKCN của các cơ quan Đảng và chính quyền địa phương các cấp; tập trung, ưu tiên đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt cho Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN của tỉnh và tại các công trình trọng điểm của tỉnh về PCTT.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động PCTT và TKCN là việc làm cần thiết để tránh bị động trong mọi tình huống.

Vài năm trở lại đây, nhiều tiến bộ khoa học công nghệ đã được ứng dụng vào hoạt động để chuyển đổi số công tác dự báo, cảnh báo thiên tai như mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn tự động (máy đo gió, máy đo khí áp, máy đo độ ẩm,...); thành lập các trung tâm thu nhận, xử lý, tính toán và ra bản tin cảnh báo mưa lớn có khả năng gây lũ quét; xây dựng các hệ thống quan trắc cảnh báo lũ quét và sạt lở đất tại khu vực miền núi, camera giám sát… để kịp thời cung cấp thông tin phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Tại Hà Nam, hiện nay đã triển khai được một số nội dung: Ứng dụng công nghệ viễn thám - GIS trong phòng chống và giảm nhẹ thiên tai (cảnh báo cháy rừng); trạm đo mưa tự động.

Với vai trò là cơ quan chuyên môn tham mưu với UBND tỉnh triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ về chuyển đổi số, Sở Thông tin và Truyền thông nhận thấy việc triển khai các hệ thống thông tin, nền tảng số, thiết bị công nghệ số trong công tác PCTT của tỉnh trong thời gian qua còn ít; chưa đa dạng các phương tiện cung cấp thông tin đến người dân nhanh nhất, kịp thời nhất về tình hình thời tiết, diễn biến thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Căn cứ Đề án Chuyển đổi số tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được UBND ban hành tại Quyết định 1516/QĐ-UBND ngày 09/8/2022; để góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCTT và TKCN tỉnh Hà Nam trong thời gian tới, cần có một số giải pháp về đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số phục vụ công tác PCTT và TKCN tỉnh Hà Nam:

1. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành PCTT và TKCN của chính quyền địa phương các cấp; ưu tiên sử dụng dịch vụ hội nghị truyền hình để tổ chức các cuộc họp, hội nghị trực tuyến khi có thiên tai xảy ra.

Hiện nay, hệ thống hội nghị truyền hình của UBND tỉnh; của UBND cấp huyện và UBND cấp xã đã được triển khai, kết nối thông suốt khi có yêu cầu. Cụ thể: Điểm cầu tại UBND tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã (116 điểm cầu), kết nối với Chính phủ.

2. Xây dựng trang thông tin điện tử để đăng tải kịp thời các công điện, văn bản chỉ đạo điều hành công tác PCTT và TKCN của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN của tỉnh, các báo cáo nhanh, các văn bản pháp luật, các kiến thức, kỹ năng phòng tránh thiên tai.

3. Sử dụng các nền tảng mạng xã hội (Zalo, Facebook...) để kịp thời đưa tin về tình hình thời tiết, diễn biến thiên tai nhằm nhanh chóng lan tỏa thông tin đến người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

4. Nâng cao hiệu quả hệ thống thông tin cảnh báo sớm thiên tai (cảnh báo cháy rừng - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai); các trạm đo mưa tự động (Trung tâm Khí tượng thủy văn Hà Nam). Đảm bảo kết nối, đồng bộ dữ liệu với các hệ thống thông tin liên quan của Trung ương và của tỉnh.

5. Xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin nông nghiệp từ các nguồn dữ liệu: trồng trọt, chăn nuôi, kết hợp dữ liệu khí tượng - thủy văn, tình hình dịch bệnh và dữ liệu bản đồ nền.

 Trên cơ sở số hóa dữ liệu đầu vào (dữ liệu về trồng trọt, chăn nuôi, dịch bệnh, thời tiết...) để phân tích đưa ra các giải pháp phù hợp, hiệu quả trong thời gian tiếp theo.

6. Triển khai các ứng dụng, cảm biến cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai, nguồn nước để người dân chủ động các giải pháp nâng cao chất lượng sản xuất, nuôi trồng.

Hệ thống cảm biến được dùng để thu thập, giám sát và quản lý dữ liệu của các yếu tố môi trường (độ mặn, pH, NH4, DO, nhiệt độ). Giải pháp này phục vụ cho cả lĩnh vực trồng trọt lẫn chăn nuôi; có khả năng đo đạc các thông số của đất, môi trường, đề xuất thời gian tưới, thời gian chiếu sáng phù hợp theo từng giai đoạn cho các trang trại trồng trọt; quản lý mọi khâu như cho ăn, chiếu sáng, thu hoạch, sưởi ấm... cho các trang trại chăn nuôi./.


Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nam