Chuối ngự Đại Hoàng (xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam)
sản phẩm đã được cấp
Giấy Chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý năm 2009,nổi
tiếng về độ thơm ngon và giá trị dinh dưỡng.
Người dân làng Đại Hoàng kể rằng: Vào thời nhà Trần, hàng năm vua Trần cùng các văn võ bá quan, cờ xí rợp trời xuôi thuyền từ Thăng Long về phủ Thiên Trường yết kiến Thái Thượng Hoàng. Một lần đến ngã 3 Tuần Vường, đoàn thuyền dừng lại. Dân các làng đổ ra mừng đón. Mọi người ai cũng mang của ngon, vật lạ để dâng tiến vua. Cặp vợ chồng nông dân nọ ở làng Đại Hoàng, vì nghèo không có vật gì quý giá dâng tiến nên rất băn khoăn. May sao trong vườn nhà còn một buồng chuối nhỏ xinh xắn đã chín, toả hương thơm ngát, họ bèn chặt hạ, đưa tiến vua với niềm cung kính mong được nhà vua thông cảm.Chuối ngự "tiến vua" ở Hà Nam nổi danh khắp cả nước. Loại chuối này quả nhỏ, vỏ mỏng, ruột chuối vàng, dẻo, ăn thơm ngon, ngọt đậm...
Chuối ngự Đại Hoàng có chứa nhiều kali, axit amin, 11 loại khoáng chất và 6 vitamin. Vì vậy, ăn chuối ngự thường xuyên giúp cung cấp thêm năng lượng cho cơ thể. Quả chuối nhỏ, vỏ vàng sáng, xếp đều đặn trên một nải có thể để hàng tuần vẫn ngọt và thơm ngon.
Ngoài ra, chuối ngự không ưa bón phân tươi, phân đạm chỉ bón vào thời gian đầu, nếu bón vào lúc chuối đang ra hoa đậu quả dễ gây nứt vỏ và quả chuối không giữ được màu sắc, phẩm chất nguyên bản. Vì vậy, để chuối chín đạt tiêu chuẩn, không chỉ cần chú ý kỹ thuật trồng, phương pháp chăm sóc mà công đoạn dấm chuối cũng rất quan trọng. Những hộ dân trồng nhiều chuối thường phải có lò dấm bằng vách đất.Nguyên liệu dấm là Hương hoặc Trấu nên đảm bảo an toàn tuyệt đối. Thời gian trong lò ủ từ 3-4 ngày chính là lúc chuối ngự chuyển hóa và tích lũy độ đường, quyết định độ ngọt của quả. Những cao nhân lâu năm cho biết: kĩ thuật dấm này tuy mất thời gian hơn nhiều so với giấm thuốc nhưng thành phẩm cho ra chất lượng hoàn hảo.
Chính vì những lẽ đó, Chuối ngự Đại Hoàng đã lọt top 50 loại trái cây đặc sản Việt Nam theo công bố Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam năm 2012.
Chuối ngự Đại Hoàng từng có nguy cơ biến mất do nhu cầu không cao, người biết đến chưa nhiều. Trước nguy cơ đó năm 2001, dự án Bảo tồn gien chuối quý hiếm của Quỹ môi trường toàn cầu (GEF/SGP - UNDP) đã tài trợ để bà con mở rộng diện tích trồng trọt. Trong nhiều năm liền Sở NN-PTNT Hà Nam phối hợp với Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội và các hộ triển khai thực hiện dự án bảo tồn gien chuối ngự Đại Hoàng.
Năm 2009, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chuối ngự Đại Hoàng. Từ đó đến nay, chuối ngự Đại Hoàng được nhiều người tiêu dùng biết đến và có giá trị cao trên thị trường./.