Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chăn nuôi lợn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh

Tin tức sự kiện  
Chăn nuôi lợn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá lợn thịt xuất chuồng và lợn giống giảm mạnh kéo dài nhất lịch sử (chỉ từ 15 nghìn đồng/kg lợn thịt hơi, 50 nghìn đồng/con lợn giống (7kg/con)từ năm 2017 đến giữa năm 2018 đã khiến nhiều hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại rất lớn, thua lỗ hàng trăm triệu đồng, ước tính sơ bộ thiệt hại trong đợt bão giá trên toàn tỉnh khoảng 500 tỷ đồng; sản xuất chăn nuôi lợn chưa kịp khôi phục sau đợt bão giá năm 2017 thì đến đầu năm 2019, dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện, lây lan nhanh, mạnh và kéo dài đến đầu năm 2020, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho ngân sách Nhà nước và nhiều hộ nông dân. Toàn tỉnh có 9.500 hộ gia đình bị thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi, thuộc 569 thôn, xóm của 111 xã, phường, thị trấn, buộc tiêu hủy 132.687 con lợn, chiếm khoảng 28,5% tổng đàn lợn toàn tỉnh trước khi có dịch, nhiều hộ chăn nuôi lợn, chủ yếu là chăn nuôi nông hộ đã dừng việc chăn nuôi hoặc chuyển đổi sang chăn nuôi các đối tượng vật nuôi khác. Hiện nay số hộ chăn nuôi quy mô nông hộ còn khoảng 11 nghìn hộ (giảm khoảng 12 nghìn hộ so với năm 2018) với cơ cấu chiếm khoảng 50% trong tổng đàn.

Đợt bão giá năm 2017 và đợt dịch tả lợn Châu Phi năm 2019 là khó khăn trở ngại rất lớn nhưng cũng là cơ hội để ngành chăn nuôi thực hiện tái cơ cấu lại sản xuất theo hướng trang trại ứng dụng các biện pháp bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường. Từ đầu năm 2020 đến nay, do làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, nên trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra các ổ dịch tả lợn Châu Phi nhỏ, không lây lan diện rộng, thiệt hại không đáng kể. Bên cạnh đó, giá cả thị trường thịt lợn hơi xuất chuồng trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021 ổn định ở mức khá cao (trong năm 2020, có thời điểm giá thịt lợn hơi xuất chuồng lên đến 98 nghìn đồng/kg) nên sản xuất chăn nuôi lợn đã cơ bản được khôi phục. Tổng đàn toàn tỉnh đạt khoảng 380 nghìn con, bằng 80,5% so với thời điểm trước dịch; công tác tái đàn, tăng đàn lợn chủ yếu ở quy mô chăn nuôi trang trại - nơi cơ bản đáp ứng các điều kiện như kinh nghiệm, trình độ kỹ thuật chăn nuôi, cơ sở vật chất, hạ tầng tốt và áp dụng được nhiều biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có một số ít cơ sở chăn nuôi lợn cải tạo, đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi kiểu chuồng kín, có nhiều ưu điểm vượt trội so với các kiểu chuồng nuôi truyền thống. Kiểu chuồng này được đầu tư lắp đặt hệ thống thiết bị làm mát - làm lạnh, điều khiển được môi trường tiểu khí hậu chuồng nuôi chủ động theo ý muốn của con người, giúp lợn luôn luôn thoải mái, sinh trưởng, phát triển, sinh sản tốt; đảm bảo vệ sinh môi trường, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, cho năng suất, hiệu quả chăn nuôi cao.

Qua theo dõi sản xuất của các trại chăn nuôi lợn kiểu chuồng kín trong những năm qua cho thấy kiểu chuồng kín phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc kiểm soát dịch bệnh, tăng khả năng sinh trưởng, sinh sản và sức đề kháng của lợn, hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra các loại dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, giảm thiểu chi phí điều trị, tỷ lệ chết của lợn trong quá trình chăn nuôi, do đó năng suất, chất lượng, hiệu quả chăn nuôi tăng khoảng từ 15-20% so với kiểu chăn nuôi kiểu chuồng hở truyền thống. Ước tính toàn bộ chi phí đầu tư hệ thống thiết bị làm lạnh khoảng 74 triệu đồng đối với chuồng nuôi có diện tích 200 m2 cho quy mô chăn nuôi 150 con lợn thịt/lứa.

Để thúc đẩy phát triển sản xuất chăn nuôi lợn của tỉnh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tiến tới xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh kết nối chuỗi tiêu thụ sản phẩm với các nhà máy giết mổ, chế biến thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm an toàn ngày càng cao của thị trường và hướng tới xuất khẩu, việc phát triển các mô hình trang trại chăn nuôi lợn ứng dụng công nghệ chăn nuôi chuồng kín, gắn với chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thay thế cho kiểu chuồng trại chăn nuôi lợn truyền thống hiện nay là rất cần thiết. Đề nghị các cấp Uỷ Đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể quan tâm chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ các trang trại chuyển đổi hình thức chăn nuôi lợn kiểu chuồng hở sang kiểu chuồng kín./.


Sở Khoa học và Công nghệ