Skip Ribbon Commands
Skip to main content

BẢO HỘ SỞ HỮU TRÍ TUỆ - VIỆC LÀM QUAN TRỌNG ĐỐI VỚI SẢN PHẨM VẢI LAI U TRỨNG KIM BẢNG

Tuyên truyền phổ biến KH - CN Khoa học Công nghệ và đời sống  
BẢO HỘ SỞ HỮU TRÍ TUỆ - VIỆC LÀM QUAN TRỌNG ĐỐI VỚI SẢN PHẨM VẢI LAI U TRỨNG KIM BẢNG

Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.

Yêu cầu của các thị trường đối với sản phẩm nông nghiệp phải đáp ứng các tiêu chí chất lượng, mẫu mã, an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm phải có thương hiệu và khả năng truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, hầu hết nông sản được xuất khẩu thô, ít sử dụng hệ thống nhận diện thương hiệu riêng nên năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng thấp.Tại thị trường nội địa, hàng giả, hàng nhái đã làm ảnh hưởng đến các sản phẩm đặc sản của các địa phương, xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi của những người sản xuất và kinh doanh chính đáng.

Những năm qua, việc xây dựng thương hiệu cho mặt hàng nông sản đã đạt được những kết quả nhất định trong những năm gần đây, đặc biệt từ khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.Tuy vậy, vẫn còn nhiều nhà sản xuất, doanh nghiệp, tổ chức và địa phương chưa quan tâm đến việc bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nông sản và rất ít nhãn hiệu nông sản Việt Nam có được uy tín ở tầm quốc tế.  Theo báo cáo của Cục Sở hữu trí tuệ, đến cuối năm 2021, cả nước có 110 Chỉ dẫn địa lý, 497 nhãn hiệu chứng nhận và 1.457 nhãn hiệu tập thể được đăng ký xác lập quyền và được bảo hộ pháp lý. Chỉ một số ít trong đó được tiến hành đăng ký bảo hộ ở nước ngoài, như: Nước mắm Phú Quốc, Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, Cà phê Buôn Mê Thuật, Nước Mắm Phan Thiết, Thanh Long Bình Thuận,...

Để tăng cường giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản Việt Nam, bên cạnh việc tăng cường thực hiện các biện pháp cần thiết thì việc xây dựng và phát triển nhãn hiệu cho nông sản là rất cần thiết. Một nông sản có uy tín hay đặc sản thường gắn liền với một địa danh xác định bởi phương pháp sản xuất truyền thống, giống cây con khác biệt, điều kiện địa lý đặc thù,...

 Cho đến nay nhiều nông sản đó chỉ được biết đến qua sự đánh giá của người tiêu dùng, qua truyền thông, qua truyền khẩu, thơ ca, hò vè mà thiếu sự công nhận chính thức và bảo hộ pháp lý cả trong nước và ngoài nước, làm cơ sở vững chắc cho việc gìn giữ và phát triển sản phẩm. Do đó, việc xây dựng, đăng ký bảo hộ và phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho đặc sản trên cơ sở Luật Sở hữu trí tuệ là biện pháp quan trọng đáp ứng nhu cầu nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của nông sản.

Cây vải thiều đã được trồng nhiều từ hơn 200 năm tại vùng Thanh Hà tỉnh Hải Dương. Từ vùng này, cây vải được di thực đến trồng ở các tỉnh khác của miền Bắc nước ta. Cho đến nay, cây vải thiều đã được trồng ở hầu hết các tỉnh miền Bắc nước ta với diện tích ước khoảng trên 50.000 ha và sản lượng đạt hàng trăm ngàn tấn mỗi năm, trong đó tỉnh Bắc Giang được coi là tỉnh có diện tích và sản lượng đứng đầu miền Bắc với khoảng 39 nghìn ha cho sản lượng trên 150 nghìn tấn/năm, tập trung chủ yếu ở huyện Lục Ngạn. Trồng vải mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, quả vải không những được dùng như một loại quả ăn tươi mà còn có thể sấy khô, làm đồ hộp, chế biến nước giải khát. Ngoài ra, nhiều tài liệu nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ăn vải còn có tác dụng chữa trị một số bệnh về tim mạch, dạ dày, lá lách, thần kinh, v.v. 

Hà Nam là vùng tiếp giáp giữa vùng Ðồng bằng sông Hồng và dải đá trầm tích ở phía Tây nên Hà Nam có địa hình đa dạng, vừa có đồng bằng, vừa có vùng bán sơn địa và vùng trũng, có diện tích tự nhiên 851 km2. Tỉnh có điều kiện đất đai, khí hậu, thủy văn khá thuận lợi để phát triển nông nghiệp sinh thái đa dạng, với nhiều loại thực vật nhiệt đới, á nhiệt đới và ôn đới. Mùa hạ có nắng và mưa nhiều, nhiệt độ và độ ẩm cao, thích hợp với các loại cây trồng nhiệt đới, vụ đông lại phù hợp cho các loại cây rau, quả, hoa có giá trị hàng hóa cao như cà chua, dưa chuột, chuối ngự Đại Hoàng, na Ba Sao, ổi Trác Văn, bưởi hoàng, nhãn chín muộn, vải u lai chín sớm…. Ngoài ra, còn có thể phát triển được nhiều loại cây ăn quả khác theo hướng sản xuất hàng hóa.

Với lợi thế phát triển nông nghiệp, Hà Nam cũng có những sản phẩm truyền thống, đặc sản địa phương đã trở thành thương hiệu có tiếng và được xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý như: Cá kho Nhân Hậu, bánh đa nem làng Chều, lụa Nha Xá, trống Đọi Tam, gà móng Tiên Phong, rượu Vọc, rượu Bèo, thêu ren Thanh Hà, gốm Quyết Thành, cá trắm đen Bình Lục, bánh đa Sở Kiện, gạo chất lượng cao Bình Lục ... Để khai thác giá trị của những sản phẩm này, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, Hà Nam đã xây dựng và ban hành Quyết định 1939/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Mỗi xã một sản phẩm" tỉnh Hà Nam giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. Chương trình OCOP được các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Các sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP phần lớn là sản phẩm làng nghề, một số sản phẩm đã có tiếng trên thị trường như: Chuối ngự Đại Hoàng, cá kho Nhân Hậu, bánh đa nem làng Chều... nên có nhiều thế mạnh.

Từ những năm 2000, tỉnh Hà Nam đã có chủ trương khuyến khích xây dựng các vùng trồng cây ăn quả an toàn, sản xuất hàng hoá, quy mô tập trung từ đất trồng lúa chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, kết quả bước đầu hình thành một số vùng cây ăn quả tập trung đã và đang cho hiệu quả kinh tế cao như Vải lai U trứng Kim Bảng được trồng nhiều ở xã Nguyễn Uý. Đây là một sản phẩm cây ăn quả chủ lực của tỉnh theo Quyết định 1094/QĐ-UBND ngày 10/6/2020 của UBND tỉnh Hà Nam về việc ban hành Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Hà Nam. Để xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản, sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh, ngày 13/4/2022 UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành Kế hoạch số 966/KH-UBND về thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Hà Nam đến năm 2030.

Vải lai U trứng Kim Bảng là giống vải chín sớm, chín trước vải thiều khoảng 30 ngày, quả ngọt, cùi dày, hạt nhỏ, không bị sâu đầu, hình dạng giống quả trứng, khi chín có màu đỏ hồng rất bắt mắt. Cây vải đã được trồng trên địa bàn xã Nguyễn Úy từ năm 2001, rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, nên sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất quả ổn định, chất lượng quả ngon phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Theo thống kê của UBND huyện Kim Bảng, tổng diện tích cây vải lai U trứng là gần 80 ha. Trong đó, xã Nguyễn Uý trồng 58 ha, xã Tượng Lĩnh trồng 8ha và trồng lẻ tẻ ở các khu vực chuyển đổi của xã Khả Phong, xã Liên Sơn, xã Thanh Sơn và xã Thi Sơn, với gần 400 hộ. Một số cây vải có tuổi đời 20 năm có tán xòe chiếm diện tích 50 m2, cho năng suất từ 3 tạ đến 4 tạ quả mỗi vụ. Cây vải lai U trứng Kim Bảng cho chất lượng ngon không thua kém những vùng nổi tiếng của Bắc Giang, Hưng

Yên, Hải Dương… Vải lai U trứng thu hoạch sớm ngay đầu vụ, bắt đầu từ tháng 4 âm lịch nên đạt giá bán cao gấp 2 – 3 lần các loại vải cho quả chính vụ. Sản phẩm vải lai U trứng Kim Bảng phần lớn được thương lái về thu mua đưa đi nhiều tỉnh, thành phố, kể cả đưa vào tiêu thụ ở các tỉnh phía Nam. Về giá trị của cây vải lai U trứng được khẳng định, so với cấy lúa cao gấp 5 – 7 lần, những vườn vải 20 năm tuổi cho giá trị gấp 10 lần. Chi phí sản xuất cho cây vải lai u trứng trong 1 năm chỉ chiếm khoảng 20% giá trị thu được.

Cây vải lai U trứng đang góp phần cải thiện thu nhập, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả trên diện tích canh tác nhưng những người trồng vải đặc biệt là chính quyền địa phương vẫn không khỏi trăn trở, lo lắng. Đó là làm sao để xây dựng thương hiệu và mở rộng được thị trường. Bên cạnh đó, người nông dân trồng vải quả vẫn còn hạn chế về việc áp dụng khoa học kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh, sản xuất cây ăn quả an toàn theo hướng VietGAP, chưa thành lập được các Hội/Hiệp hội, HTX sản xuất cây ăn quả vùng chuyển đổi, chưa có tem, nhãn sản phẩm, chưa hình thành được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nên đầu ra chưa ổn định.

Với xu thế hội nhập kinh tế, nền kinh tế thị trường đang ngày càng đòi hỏi các sản phẩm có chất lượng cao, có sự đảm bảo về chất lượng, giá cả ổn định. Chính vì vậy, một yêu cầu cấp thiết đặt ra cho vải lai U trứng Kim Bảng là phải xác định được tên tuổi và chỗ đứng trên thị trường trong nước, tăng cường lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy việc phát triển một loại cây có giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.

Việc xây dựng thương hiệu cho vải lai U trứng Kim Bảng là rất cần thiết để các hộ trồng vải quả tham gia vào Hội Sản xuất và Kinh doanh... cùng nhau sản xuất tập thể, quy mô sẽ giúp cho các hộ trồng vải có cùng một quy trình kỹ thuật sản xuất, bảo đảm trái vải có chất lượng ngon và an toàn hơn. Từ đó tạo cơ hội để vải lai U trứng Kim Bảng mở rộng diện tích sản xuất, quảng bá sản phẩm và phát triển bền vững./.


Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nam