Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thiếu ngủ đã trở thành hiện tượng toàn cầu

Tuyên truyền phổ biến KH - CN Khoa học Công nghệ và đời sống  
Thiếu ngủ đã trở thành hiện tượng toàn cầu
Hai nhà toán học Daniel Forger và Olivia Walch của trường Đại học Michigan vừa công bố trên tạp chí Science những phát hiện lý thú về thói quen ngủ của người dân ở các nước trên thế giới.

Hai năm trước, Forger và Walch đã thiết kế một ứng dụng smartphone miễn phí có tên ENTRAIN nhằm giúp những người thường xuyên phải đi lại tránh được hiện tượng mệt mỏi bằng cách vạch ra những lịch trình nghỉ ngơi phù hợp với từng người. Ứng dụng này hoạt động dựa trên một mô hình toán học trong đó yêu cầu người sử dụng phải đưa vào những thông tin đầu vào chính xác về địa điểm họ sinh sống, thói quen ngủ nghỉ, thời gian tiếp xúc với ánh sáng hằng ngày,… Sau đó, nhận thấy đây là một trong những cơ sở dữ liệu phong phú và thú vị nhất về giấc ngủ của con người từng được thu thập, hai nhà khoa học đã kêu gọi những người dùng ứng dụng này cho phép họ sử dụng cơ sở dữ liệu đó vào mục đích nghiên cứu. Kết quả, khoảng 10.000 người đến từ 100 quốc gia đã hưởng ứng lời kêu gọi này.

Kết quả nghiên cứu dữ liệu chỉ ra một số mô típ nổi bật. Chẳng hạn, một số quốc gia có nhiều người có thói quen thức đêm trong khi một số quốc gia khác lại có xu hướng ngủ đủ giấc hơn. Những cư dân sống ở Singapore và Nhật Bản có tỉ lệ ngủ ít nhất với thời lượng ngủ trung bình mỗi tối là 7 giờ 24 phút ngủ. Người dân Hà Lan có giấc ngủ dài hơn với thời lượng ngủ trung bình là 8 giờ 12 phút.

Nghiên cứu cho thấy người dân ở nhiều nước trên thế giới đều đang ở vào tình trạng thiếu ngủ, từ đó gia tăng nguy cơ mắc các bệnh như béo phì, tiểu đường, huyết áp cao, đột quỵ và các loại bệnh khác. Sự mệt mỏi do thiếu ngủ gây ra còn khiến con người thực hiện kém hiệu quả các hoạt động liên quan đến thể chất và trí não – đây là lý do tại sao các nhà khoa học ở Mỹ liên tục lên tiếng yêu cầu các trường học mở cửa muộn hơn.

Thói quen ngủ tự nhiên được điều tiết bởi các nhịp điệp sinh học vốn được thiết lập và tái thiết lập bởi chu kỳ ngày – đêm trong tự nhiên do mắt hấp thụ. Theo nghiên cứu của Forger và Walch, những người dành nhiều thời gian ở bên ngoài dưới ánh sáng tự nhiên có xu hướng đi ngủ sớm hơn và ngủ nhiều hơn những người dành hầu hết thời gian ở dưới ánh sáng nhân tạo.

Từ những kết quả này, Forger đặt ra một giả thiết thú vị: “Chúng tôi thấy rằng không phải thời gian tỉnh giấc mà thời gian lên giường đi ngủ mới là chỉ số chính xác cho thấy con người ngủ nhiều hơn hay ít hơn. Vì thế, lý do khiến người dân ở một số nước ngủ ít hơn là vì họ lên giường muộn hơn chứ không phải do họ tỉnh giấc sớm hơn người dân các nước khác.” Do vậy, thời gian ngủ có thể bị đẩy lùi bởi những tác động xã hội, chẳng hạn như làm việc muộn hay đi chơi với bạn bè/đồng nghiệp, trong khi thời gian tỉnh giấc lại chịu ảnh hưởng lớn từ các tác nhân sinh học.